Đưa chính sách tín dụng đến với các đối tượng xã hội cần trợ giúp (22:50 16/07/2021)


HNP - Qua 7 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cho thấy đây là một chính sách tín dụng có tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, là một giải pháp hữu hiệu, giải quyết việc làm ngay từ gia đình giúp các đối tượng có cuộc sống tốt hơn, giảm sự kỳ thị của của cộng đồng

Thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 và Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 10/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 08/12/2014 về việc triển khai thực hiện cho vay vốn đối với các đối tượng trên.

Kết quả, giai đoạn 2016-2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Thành phố và sự tích cực triển khai, phối hợp của Sở, ngành và địa phương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã cho vay vốn 59 trường hợp, trong đó, cá nhân 11 người nhiễm HIV, 5 người bán dâm hoàn lương; 23 hộ gia đình có người sau cai nghiện ma túy và 20 hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tổng số tiền đã được cho vay là 1,690 tỷ đồng trên tổng số chỉ tiêu 2,070 tỷ đồng. Doanh số thu nợ: 930 triệu đồng, tỷ lệ đạt 55%. Tổng dư nợ còn là: 760 triệu đồng, tỷ lệ 45%. Chưa có trường hợp phát sinh nợ quá hạn và hầu hết người được vay vốn đều thực hiện tốt nghĩa vụ của mình sau khi vay vốn và chấp hành tốt các quy định của tố tiết kiệm và hoàn trả vốn đúng hạn.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, qua kiểm tra, giám sát cho thấy đa số các hộ gia đình được vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, hoàn trả hết vốn, các đối tượng được vay vốn chủ yếu mở cửa hàng tạp hóa, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để kinh doanh mua bán nhỏ, sử dụng để chăn nuôi, trồng trọt,.. .ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo đánh giá của các địa phương, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các đối tượng là người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV được vay vốn tín dụng đang có mặt trên địa bàn, sức khỏe đều ổn định, không tái nghiện, không vi phạm pháp luật và tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ, trồng trọt chăn nuôi, ...ổn định mức thu nhập để phát triển kinh tế hộ gia đình.


Nguồn vốn vay được giải ngân đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng vốn có hiệu quả. Việc sử dụng vốn vay hiệu quả đã đem lại cho các cá nhân, gia đình được vay vốn có công việc làm ăn như ở huyện Ba Vì: các hộ gia đình vay vốn đã sử dụng để chăn nuôi bò sữa, mua lợn sữa gây giống, tăng gia sản xuất, mở cửa hàng sửa chữa xe máy, dịch vụ rửa xe...có việc làm ổn định, lâu dài để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tạỉ huyện Mỹ Đức các hộ gia đình đã sử dụng vốn để mở cửa hàng kinh doanh, bán hàng tạp hóa, dịch vụ rửa xe và buôn bán nhỏ, tạo ra thu nhập ổn định cuộc sống, duy trì việc làm.

Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg đã tác động tích cực đối với các đối tượng thụ hưởng là cá nhân và hộ gia đình người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương đã đem lại thu nhập ổn định, duy trì cuộc sống, giảm bớt khó khăn trong kinh tế gia đình. Ngoài ra, chính sách còn tác động tích cực đến bản thân những người yếu thế, tạo được việc làm ngay tại gia đình, giúp họ yên tâm, ổn định cuộc sống để hòa nhập với cộng đồng dân cư.

Có thể kể đến, anh Nguyễn Danh Vượng, sinh năm 1971, thôn Chu Châu, xã Minh Châu, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội là người nghiện ma túy dẫn đến nhiễm HIV, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh Vượng đã tự cai nghiện ma túy tại nhà và đang điều trị thuốc ARV. Thông qua các kênh thông tin và công tác tuyên truyền từ xã đến thôn, anh Vượng đã biết được chính sách hỗ trợ tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg. Với số vốn vay 30 triệu đồng, gia đình sử dụng đầu tư vào trồng các cây như cây chuối, cỏ ghém, cỏ voi và chăn nuôi bò sinh sản. Gia đình đầu tư cây trồng với diện tích 3.641m2, từ 01 con bò khi mới vay vốn đến nay đã có 04 con. Từ việc chăn nuôi bò sinh sản và thu hoạch từ trồng trọt có hiệu quả, tạo ra thu nhập nên hàng tháng anh Vượng đã trả lãi ngân hàng đầy đủ. Tính đến nay, đã trả hết vốn vay và phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng được nâng cao.


Hay hộ gia đình chị Phùng Thị Thái có chồng là anh Phạm Văn Hưng sinh năm 1971, là người sau cai nghiện ma túy, địa chỉ ở thôn Cao Nhang, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Anh Hưng là người nghiện ma túy đã đi cai nghiện bắt buộc 24 tháng tại Cơ sở cai nghiện ma túy trở về địa phương, hiện nay đang thực hiện quản lý sau cai tại địa phương. Nhờ số vốn 30 triệu đồng cho hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, gia đình chị đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ...từ đó, nâng cao thu nhập, giảm bớt khó khăn về kinh tế và thực hiện trả lãi vay theo hàng tháng đúng hạn. Từ khi có nguồn vốn vay, cuộc sống ngày càng bớt khó khăn, thu nhập cao hơn trước, công ăn việc làm ổn định.

Thực tế triển khai và hiệu quả đã đạt được cho thấy chính sách tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên phạm vi cả nước là cần thiết, hiệu quả để những đối tượng này hoàn lương, hoà nhập cộng đồng.


Đông Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t