Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tại huyện Phúc Thọ (16:01 12/05/2021)


HNP - Sáng 12/5, tại trụ sở UBND huyện Phúc Thọ, UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Chủ tọa Hội nghị và các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026


Đơn vị bầu cử số 7 có 5 ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm: Ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội; bà Trần Thị Nhị Hà - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Mai - Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây; ông Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Sơn Tây; bà Ngô Thanh Thủy - Bác sỹ Y khoa cộng đồng và dinh dưỡng, Trung tâm Y tế quận Tây Hồ.
 
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã được nghe tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên. Theo đó, các ứng cử viên đều khẳng định nếu được cử tri tin tưởng bầu làm ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ phát huy kiến thức và kinh nghiệm qua những hoạt động thực tiễn của mình, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, cùng với Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, với chính quyền địa phương; tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của Nhân dân bằng nhiều hình thức, dành nhiều thời gian đi thực tế để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; tích cực góp phần vào quá trình đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tham gia nghiên cứu, đóng góp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đề xuất với Quốc hội xây dựng các cơ chế, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước…
 
Các cử tri dự hội nghị tại điểm cầu UBND huyện Phúc Thọ
 
Ông Trần Việt Anh khẳng định khi được cử tri bầu làm ĐBQH sẽ tích cực tham gia và đóng góp để đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp, đặc biệt chú trọng tới việc giám sát thực hiện các lời hứa, thực hiện các kiến nghị sau giám sát nhằm góp phần bảo đảm cho các cơ quan này tuân thủ pháp luật, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cử tri. Tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến, đưa ra những chính sách, chiến lược phát triển văn hóa bền vững của Thủ đô và đất nước để Văn hóa không chỉ “là mục tiêu, động lực” mà “thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô”.
 
Trình bày về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định sẽ tập trung các ý kiến nhằm đổi mới hệ thống y tế quốc gia như: Đổi mới cung cấp dịch vụ y tế, bao gồm tăng cường hệ thống y tế cơ sở, xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước, đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn cán bộ y tế và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp; Đổi mới tài chính y tế, bao gồm phát triển bảo hiểm y tế toàn dân nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già; chuyển trọng tâm trợ cấp bên cung sang trợ cấp bên cầu, nghĩa là tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho người dân; Đổi mới hệ thống quản trị, bao gồm tái cơ cấu hệ thống y tế đặc biệt hệ thống y tế dự phòng, phát triển hệ thống thông tin y tế quốc gia…
 
Chia sẻ về chương trình hành động khi trúng cử, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai khẳng định sẽ cùng với đoàn ĐBQH TP tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực; Đổi mới hình thức và nội dung giám sát của Đoàn ĐBQH Hà Nội theo hướng: lựa chọn vấn đề dân sinh bức xúc và theo đến cùng vấn đề; giám sát việc cụ thể hóa các quy định của Luật phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố; giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách Quốc hội đã ban hành, đặc biệt các lĩnh vực cử tri quan tâm: quy hoạch, đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng tiền, tài sản nhà nước. Qua giám sát, kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng và Quốc hội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật để đảm bảo pháp luật và chính sách đi vào cuộc sống, phục vụ Nhân dân. Đồng thời, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước với trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích Nhân dân, gắn với phát triển Thủ đô Hà Nội. Thường xuyên gắn bó, giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, với cử tri. Tôn trọng Nhân dân, thực sự gần dân, sát dân, là cầu nối giữa Nhân dân với Quốc hội.
 
Bà Phạm Thị Thanh Mai trình bày chương trình hành động
 
Bà Ngô Thanh Thủy khẳng định với cử tri khi được trúng cử sẽ đưa ra các đề xuất lên Quốc hội tập trung nhân lực và vật lực của ngành y tế để phát triển các Trung tâm Y tế, các phòng khám đa khoa giúp người dân nhận được sự chăm sóc tốt nhất về y tế ngay từ cơ sở tại địa phương. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị bảo vệ và nâng cao quyền lợi của bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, tập trung trong các vấn đề về chính sách tạo điều kiện cho người phụ nữ vừa yên tâm công tác vừa đảm bảo thời gian dành cho gia đình.
 
Ông Nguyễn Trung Thành cho biết sẽ gắn bó sâu sát và thường xuyên với cử tri thành phố và cử tri đơn vị bầu cử. Qua đó, hiểu và phản ánh đầy đủ những bức xúc trăn trở đóng góp và nguyện vọng của nhân dân cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Xây dựng nhà nước của dân do dân và vì dân. Cùng với chính quyền giải quyết nhanh chóng và đúng pháp luật những kiến nghị khiếu nại, tố cáo của cử tri. Tích cực phản ánh và đấu tranh khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức thiếu trách nhiệm tham nhũng lãng phí gây ảnh hưởng trực tiếp tới xây dựng bộ máy Nhà Nước. Bảo vệ môi trường và an toàn cuộc sống cho Nhân dân: đấu tranh chống chạy theo lợi nhuận hủy hoại môi trường sống; sử dụng chất độc hại trong hàng hóa và thực phẩm.
 
Tại buổi tiếp xúc có 9 ý kiến của cử tri đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên và bày tỏ mong muốn các ứng cử viên nếu trúng cử sẽ nâng cao trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, thực hiện đúng chương trình hành động của mình; quan tâm lắng nghe ý kiến của cử tri để đề nghị Quốc hội, các cấp có thẩm quyền quan tâm giải quyết vấn đề về môi trường; chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân; quan tâm đào tạo nghề cho đối tượng trong độ tuổi lao động; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng và nhà văn hoá thôn; sớm triển khai dự án cải tạo dòng sông Tích; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 32; đưa bác sỹ về các tuyến y tế cơ sở; quan tâm rà soát việc đầu tư công; đầu tư ngân sách cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao; có chính sách đặc biệt đối với huyện nông nghiệp; cải tạo, tu sửa tuyến đê Ngọc Tảo đảm bảo việc phòng chống lũ; quan tâm nâng cao đời sống văn hoá xã hội cho Nhân dân, nhất là đối với hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tu bổ di tích văn hoá xứ Đoài xuống cấp…
 
Hội nghị được thực hiện trực tuyến từ điểm cầu huyện Phúc Thọ và 21 điểm cầu các xã, thị trấn, được truyền thanh trực tiếp rộng rãi trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở để cử tri và Nhân dân trên địa bàn huyện theo dõi.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t