Huyện Thanh Trì nhân rộng những mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm (20:11 13/05/2021)


HNP - Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn huyện Thanh Trì đạt nhiều kết quả. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP kiểm tra tại trường THCS Chu Văn An, tháng 3-2021


Thanh Trì là huyện nằm ở phía Nam thủ đô Hà Nội với tổng diện tích đất tự nhiên 6.349,1 ha, dân số trên 27 vạn người. Trên địa bàn huyện có 8.710 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, trong đó, có 7.395 cơ sở thuộc quản lý ngành Nông nghiệp và Công thương, 1.309 cơ sở thuộc quản lý ngành Y tế, 06 cơ sở khác. 

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, tác động đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá, du lịch, thương mại và an sinh xã hội, Huyện ủy Thanh Trì xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là một bộ phận gắn kết chặt chẽ trong sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong 10 năm qua, công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW đã được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở triển khai nghiêm túc và hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, xác nhận kiến thức ATTP cho các chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hướng dẫn các xã, thị trấn tuyên truyền, ký cam kết trách nhiệm đảm bảo ATTP với các cơ sở trên địa bàn theo phân cấp. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Nhờ đó, giai đoạn 2011 - 2021, huyện Thanh Trì không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Đáng chú ý, huyện đã triển khai nhiều mô hình thi đua sản xuất thực phẩm an toàn. Các mô hình đang được duy trì và phát triển tốt, cung cấp cho thị trường thực phẩm sạch và an toàn, nhiều sản phẩm có thương hiệu được Nhân dân tin tưởng, tiêu thụ nhiều, như: Triển khai 03 Đề án: “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất RAT tập trung huyện Thanh Trì, giai đoạn 2016 - 2021” tại 02 xã Yên Mỹ, Duyên Hà với diện tích 147,5ha, trong đó diện tích được cấp Giấy chứng nhận VietGAP là 109,4 ha, Đề án “Xây dựng và phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao huyện Thanh Trì” với diện tích 354ha và Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2020 - 2025”; đã triển khai thí điểm xác nhận, cấp biển nhận diện cho 17 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra đảm bảo ATTP cơ sở giết mổ lợn tập trung xã Vạn Phúc hoạt động với công suất giết mổ bình quân 1.400 con lợn/ngày đêm. Chỉ đạo xây dựng 03 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản xác nhận chuỗi rau, chuỗi thịt lợn, chuỗi thủy sản. Chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình về dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền ATTP trên địa bàn huyện được chú trọng, triển khai với nhiều nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng như tổ chức hội nghị, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trực quan qua các pa no, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn vào các giờ cao điểm để người dân dễ tiếp cận. Tổ chức truyền thông, tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, giao ban các hội, đoàn thể về ATTP tại các xã, thị trấn… Xây dựng chuyên mục VSATTP (từ tháng 11/2018), cấp phát 65.843 tờ rơi, 694 tranh, áp phích, 667 băng rôn, khẩu hiệu và 526 tài liệu khác về ATTP.
 
Hàng năm, huyện thành lập 06 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện, 32 đoàn kiểm tra liên ngành xã, thị trấn; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, tập trung vào các đợt cao điểm. Từ năm 2010 - 2020, đã tổ chức kiểm tra 73.255 lượt cơ sở, số cơ sở đạt tiêu chuẩn 62.538/73.255 (85,3%), xử lý vi phạm 490 cơ sở với tổng số tiền 720.635.000 đồng. Tăng cường xét nghiệm nhanh phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, phát hiện sớm thực phẩm nguy cơ để lấy mẫu gửi xét nghiệm theo quy định, thực hiện lấy 9.993 mẫu xét nghiệm labo, số mẫu đạt 9.359 mẫu (93,65%); 75.159 mẫu xét nghiệm nhanh, số mẫu đạt 59.298 mẫu (78,89%). Công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được đẩy mạnh từ huyện đến các xã, thị trấn; 100% các cơ sở trên địa bàn huyện được ký bản cam kết đảm bảo ATTP.

Bên cạnh những kết quả trên, công tác quản lý, việc xử lý vi phạm về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, các hộ làng nghề trên địa bàn còn gặp khó khăn. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình chưa chấp hành thực hiện nghiêm quy định về ATTP, còn mắc một số lỗi như: Vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo; nguyên liệu chế biến thực phẩm không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm chưa được khám sức khoẻ định kỳ, chưa được trang bị đủ quần áo, bảo hộ lao động theo quy định...Vẫn còn tình trạng một bộ phận người tiêu dùng có thói quen sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo ATTP.

Do đó, trong thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền đối với công tác bảo đảm ATTP. Không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng quản lý nhà nước về ATTP. Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành vi ATTP, đẩy mạnh xã hội hóa công tác ATTP.  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP.

Huyện phấn đấu đạt một số mục tiêu cơ bản: Nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng ATTP, đặc biệt tuyến xã, thị trấn; 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính dưới 06 ca/100.000 dân; hạn chế xảy ra các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn huyện; 100% Ban Chỉ đạo, cán bộ phụ trách công tác ATTP huyện, xã, thị trấn được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, chuyên môn kỹ thuật về ATTP hàng năm; 100% các xã, thị trấn có xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở vi phạm quy định ATTP và công khai kết quả kiểm tra trên phương tiện thông tin đại chúng; Tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình, đề án ATTP trên địa bàn huyện. Nhân rộng mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể tại Trường Tiểu học Đại Áng. Xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực kiểm soát vệ sinh ATTP tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 - 2026”.

Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t