HĐND cấp huyện đổi mới để đáp ứng thực tiễn (18:30 11/02/2021)


HNP - Năm 2020, với vai trò là cơ quan quyền lực của nhà nước ở địa phương, HĐND cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới hoạt động để đáp ứng thực tiễn. Các kỳ họp được tổ chức chất lượng, đúng luật; lựa chọn các vấn đề nóng, bức xúc để thực hiện phiên giải trình…

Phiên giải trình của HĐND quận Tây Hồ


Nhiều kỳ họp chuyên đề
 
Năm 2020, HĐND các quận, huyện, thị xã đã tích cực, chủ động nâng cao chất lượng và tổ chức thành công 144 kỳ họp giữa kỳ, cuối năm và chuyên đề để xem xét, quyết nghị các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Một số địa phương tổ chức nhiều kỳ họp như: Ba Vì tổ chức 8 kỳ; Thanh Trì tổ chức 7 kỳ; Chương Mỹ, Thường Tín, Sóc Sơn, Quốc Oai tổ chức 6 kỳ để thực hiện công tác nhân sự sau Đại hội Đảng bộ các cấp; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công; điều chỉnh quyết toán, thu chi ngân sách...Qua đó, có tác động tích cực đến phục hồi, phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
 
Điểm nổi bật trong tổ chức kỳ họp ở quận, huyện, thị xã là sự lan tỏa trong chỉ đạo, hướng dẫn của HĐND thành phố. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp, Thường trực HĐND cấp huyện chủ động từ rất sớm và phối hợp chặt chẽ với UBND, Ủy ban mặt trận tổ quốc cùng cấp trong công tác chuẩn bị kỳ họp. Vì thế, các nghị quyết đều được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao; khi được ban hành có tính thực tiễn, tính khả thi, đi vào cuộc sống. Một số địa phương tiếp tục duy trì hội nghị giữa Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, các ban của HĐND trước mỗi kỳ họp để rà soát nội dung và công tác chuẩn bị trước khi tổ chức kỳ họp để đảm bảo những nội dung trình tại kỳ họp với sự thống nhất cao, có chất lượng, hiệu quả các vấn đề được đưa ra thảo luận, quyết định tại mỗi kỳ họp.
 
Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Võ Hồng Vinh cho biết, điểm mới trong tổ chức kỳ họp của HĐND quận là việc Thường trực HĐND quận đều chỉ đạo gửi tài liệu kỳ họp tới các vị đại biểu HĐND qua hòm thư điện tử, phần mềm quản lý kỳ họp sớm theo đúng thời gian quy định và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của quận, vì thế, các đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, để tham góp, xem xét, quyết định.
 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Ba Đình Phạm Thị Hồng Hạnh cho biết, tại các kỳ họp của HĐND quận, thời gian trình bày các báo cáo tại hội trường được rút ngắn, dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận. Đáng lưu ý, các đại biểu chuyên trách HĐND quận đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, tích cực nghiên cứu tài liệu và tham gia phát biểu mang tính dẫn dắt, gợi mở trong thảo luận, chất vấn tại kỳ họp.
 
Hoạt động giải trình tiếp tục được chú trọng
 
Hoạt động giải trình của Thường trực HĐND cấp huyện năm 2020 tiếp tục được duy trì, chủ đề giải trình được lựa chọn trúng, hiệu quả rõ rệt. Theo đó, HĐND các địa phương đã tổ chức 30 phiên giải trình. Cũng lan tỏa từ hoạt động giải trình của HĐND thành phố, cách thức tổ chức các phiên giải trình cấp huyện cũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
 
Đặc biệt, việc xây dựng phóng sự truyền hình trực quan, sinh động được HĐND nhiều địa phương triển khai với chất lượng cao, đạt hiệu quả rất tốt. HĐND nhiều địa phương như: Đống Đa, Thường Tín, Cầu Giấy… cũng đã phối kết hợp tổ chức phiên giải trình ngay sau tổ chức kỳ họp không thường kỳ (về công tác nhân sự, về đầu tư công) để tận dụng thời gian và việc triệu tập đầy đủ các đại biểu HĐND, lãnh đạo UBND và các cơ quan liên quan.
 
Ông Đào Đức Nguyên (phường Trung Tự, quận Đống Đa) nhận xét, việc khảo sát thực tế, để có cái nhìn chân thực trước khi thực hiện chất vấn phiên giải trình là việc làm cần thiết, hiệu quả, cho thấy đại biểu không chỉ nghe báo cáo. 
 
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhận định, qua theo dõi thực tế ở HĐND các địa phương, hình thức tổ chức phiên giải trình cũng có nhiều điểm mới. Tiêu biểu như phiên giải trình của Thường trực HĐND quận Đống Đa về công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đối với các di tích lịch sử văn hóa đã áp dụng hình thức giải trình trực tiếp tại hội trường và gián tiếp qua hệ thống trực tuyến tới các phường. Phiên giải trình về việc thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 197 quận Tây Hồ đã mở rộng đối tượng giải trình từ Công an quận đến Công an các phường. Phiên giải trình về kết quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu của Thường trực HĐND thị xã Sơn Tây đã khảo sát thực tế, tổng hợp báo cáo, xây dựng phóng sự…
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động giải trình của HĐND cấp huyện cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ triển khai so với kế hoạch đề ra không cao (chỉ có 22 đơn vị cấp huyện tổ chức được phiên giải trình). Năm 2021, HĐND thành phố tiếp tục định hướng hoạt động cho HĐND các cấp, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng các phiên giải trình - hoạt động giám sát trực tiếp đối với HĐND cấp huyện.
 
“Kinh nghiệm để tổ chức một phiên giải trình chất lượng, hiệu quả, trước khi tiến hành giải trình, Thường trực HĐND cấp huyện cần tổ chức khảo sát, nắm tình hình thực tế vấn đề giải trình; thu thập thông tin, số liệu để phục vụ phiên giải trình (ghi âm, ghi hình, chụp ảnh,…) để làm tư liệu, bằng chứng khi đi khảo sát thực tế, qua đó, giúp cho phiên giải trình rõ hơn vấn đề, giúp chủ tọa điều hành, kết luận chuẩn xác nội dung. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có những chứng cứ xác đáng khi tổ chức phiên giải trình đôi khi sẽ bị chất vấn lại, như vậy sẽ không đảm bảo tính chủ động trong phiên giải trình”.

Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t