Thúc đẩy đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Ba Vì (21:22 26/01/2021)


HNP - Mặc dù có nhiều làng nghề truyền thống và nông sản đặc sản nổi tiếng, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của huyện Ba Vì gặp vô vàn khó khăn. Để thúc đẩy hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn, huyện đang triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Nghề trồng, chế biến chè búp khô ở huyện Ba Vì đem lại thu nhập cao cho nông dân


Những khó khăn, vướng mắc
 
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện Ba Vì chú trọng, quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức 214 lớp đào tạo nghề với 7.452 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện Ba Vì là địa phương có số lao động nông thôn được đào tạo đứng thứ 2 thành phố Hà Nội. Sau đào tạo, số học viên có việc làm đạt 90,08%. Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện vẫn gặp không ít khó khăn, đó là công tác điều tra, dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn cho người lao động ở một số xã, thị trấn trên địa bàn chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát với thực tế, một số nghề người lao động có nhu cầu đào tạo ít nên chưa tổ chức được lớp học và ngược lại có những nghề có nhu cầu đào tạo cao nhưng lại chưa có giáo viên đào tạo, nhất là chưa thực hiện đào tạo được các nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, một số nghề nông nghiệp như trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản hoặc hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên nền tảng sẵn có, tuy nhiên, để phát huy hiệu quả kinh tế đòi hỏi có sự đầu tư lớn. Điều này khiến không ít hộ nông dân sau khi học nghề đành phải bỏ ngay hoặc làm không đến nơi đến chốn vì khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật.
 
Công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động chọn nghề và tham gia học nghề của huyện cũng còn hạn chế. Đa số lao động nông thôn khi tham gia học nghề mang tính tự phát, thông qua gia đình, người thân, thiếu tính chủ động đăng ký tham gia học nghề theo yêu cầu mong muốn của bản thân nên hiệu quả chưa cao. Đáng nói, một bộ phận không nhỏ người lao động chưa hiểu đầy đủ lợi ích, trách nhiệm của người học nghề nên còn ngại đi học. Trong khi đó, cán bộ làm công tác quản lý ở cấp huyện, cấp xã về đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa có chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm, không thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
 
Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 xảy ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nghề cho lao động của huyện trong năm 2020. Ngay sau thời gian cách ly xã hội, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức rà soát đăng ký thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thế nhưng cũng chỉ tổ chức được 4 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 140 học viên và 2 lớp truyền nghề mây tre đan cho 70 lao động tại các Tòng Bạt theo chương trình khuyến công của thành phố Hà Nội.
 
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
 
Qua rà soát, huyện Ba Vì có 17 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó, có 11 làng nghề chế biến chè búp khô, 1 làng nghề sơ chế thuốc Nam, 3 làng nghề sản xuất nón lá, 1 làng nghề tinh bột sắn, 1 làng nghề chế biến kén tằm. Đến nay, 16 làng nghề hoạt động ổn định, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động. Trên địa bàn huyện còn có gần 20 làng có nghề, một số làng đang phát triển mạnh như nghề chế biến thuốc Nam tại thôn Hợp Sơn, Hợp Nhất xã Ba Vì, nghề chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại 5 thôn của xã Tản Hồng, nghề chế biến các sản phẩm từ sữa tại các xã miền núi… Tuy nhiên, các làng nghề đang gặp một số khó khăn, đơn cử các làng nghề sản xuất nón lá tại xã Phú Châu quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa có đầu ra cố định. Các làng nghề chế biến chè búp khô, người dân chủ yếu trồng, chăm sóc, thu hoạch chè theo kinh nghiệm, chưa thành thục việc áp dụng kỹ thuật canh tác, sử dụng máy móc trong việc chế biến chè khô. Các gia đình tự tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa có đầu mối thu mua ổn định hoặc gặp khó khăn trong công tác chăm sóc, tưới, tiêu do trồng chè trên địa hình dốc. Còn đối với làng nghề truyền thống thuốc Nam dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì nguồn dược liệu ngày càng khan hiếm, diện tích trồng cây dược liệu ngày càng ít. 
 
Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, song song tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các ngành nghề đến với người dân thông qua các kênh truyền thông. Cùng với đó, tư vấn nghề, chọn nghề, định hướng phát triển nghề, chú trọng công tác hỗ trợ sau học nghề như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cơ giới hóa. Huyện cũng sẽ chỉ đạo các xã thực hiện rà soát nhu cầu học nghề, thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; ưu tiên các ngành nghề phù hợp với các quy hoạch, đề án chuyên ngành của các địa phương.
 
“Phương châm của huyện Ba Vì là đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Tăng cường quản lý đào tạo nghề, thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Thống kê, đánh giá được hiệu quả sau học nghề, dự báo nhu cầu học nghề. Đồng thời, xem xét, lựa chọn các cơ sở đào tạo, dạy nghề bảo đảm các điều kiện về chương trình, giáo trình, tài liệu, giáo viên, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề”, ông Đỗ Quang Trung nhấn mạnh.

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t