Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề ở huyện Phú Xuyên (11:40 28/10/2020)


HNP - Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Phú Xuyên luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng, đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Dù là nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, phần lớn các học viên phát huy được kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi tại gia đình và một số doanh nghiệp trong và ngoài huyện, từ đó nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện.


Với thế mạnh là huyện có 156/156 làng có nghề, trong đó có 40 làng nghề cấp thành phố, Phú Xuyên cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống hàng năm vào ngày 26/10. Hàng năm, số lao động có việc làm mới bình quân từ 2.100 đến 2.300 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết tháng 9/2020 là 81.600 người, chiếm tỷ lệ 60%, trong đó lao động nông nghiệp 70%, lao động phi nông nghiệp 30%.
 
Có được những kết quả trên, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được Huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên sâu sát, chủ động nắm bắt tình hình, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đơn vị tham mưu kịp thời về thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956, giai đoạn 2010 - 2020; 100% các xã, thị trấn có liên quan đã đưa nội dung triên khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ của địa phương, nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020.
 
Đồng thời, xác định công tác thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để tạo sự đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các hình thức như: sao gửi các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố và huyện đến các cơ quan, đơn vị, địa phương; đăng tải thông tin trên cổng thông tin diện tử huyện; tăng cường thông tin tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở; lồng ghép phổ biến các chính sách liên quan đến công tác dạy nghề trong các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt chi bộ họp dân tại thôn, xóm; in ấn, phát hành hơn 8.000 tờ rơi và 200 băng rôn tuyên truyền về học nghề và việc làm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tư vấn, đối thoại trực tiếp với người lao động; tích cực thông tin phản ánh gương lao động sản xuất giỏi gương người tốt việc tốt và tuyên truyền về các mô hình dạy nghề.
 
Kết quả, giai đoạn 2010 - 2015, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 13.503 lao động nông thôn đạt 128% kế hoạch, trong đó, ngành nghề nông nghiệp 5.181 học viên, phi nông nghiệp 8.322 học viên, trình độ sơ cấp nghề, học viên là những lao động thuộc hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế được đào tạo nghề là 420 người, lao động thuộc diện hộ cận nghèo là 76 người. Giai đoạn 2016 - 2019, bằng nguồn ngân sách của Thành phố và nguồn hỗ trợ từ các đơn vị đào tạo trong giai đoạn 2016 – 2019, các đơn vị tham gia dạy nghề đã tổ chức đào tạo được 3.351 lao động, đạt tỷ lệ 81,8%. Năm 2020, huyện phấn đấu tổ chức đào tạo nghề cho 34 lớp cho 1.155 lao động. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2020 đạt 60%; trên 80% người lao động sau học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ; một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 từ 12% lên 25% năm 2015 và 60% năm 2020.
 
Từ các lớp học nghề và nhân cấy nghề, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình hay và hiệu quả như: mô hình nuôi cá thương phẩm của hộ anh Võ Văn Dũng, xã Thụy Phú, sau khi được đào tạo nghề và áp dụng kiến thức vào chăn nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và tạo việc làm cho một số lao động trong thôn với mức thu nhập 4.200.000 đồng/người/tháng; hay mô hình chăn nuôi thú y của anh Doãn Văn Huy, xã Phượng Dực, sau khi được học xong đã áp dụng kiến thức vào chăn nuôi lợn thịt, lợn nái đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và tạo việc làm cho một số lao động trong thôn với mức thu nhập bình quân 6.000.000 đồng/người/tháng. Đối với các mô hình nghề phi nông nghiệp, từ năm 2011, huyện đã phối hợp với các đơn vị đào tạo, tổ chức đào tạo 94 lớp nghề may công nghiệp cho 3.097 học viên với thời gian đào tạo mỗi lớp từ 2,5 đến 3 tháng...
 
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Phú Xuyên tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tiếp cận, lựa chọn ngành nghề và tham gia học nghề, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2025, huyện đào tạo được cho 8.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; gắn đào tạo nghề với hỗ trợ - sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo, ít nhất 90% số người học nghề phi nông nghiệp có việc làm mới; 100% người học nghề nông nghiệp có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; giải quyết việc làm cho 25.000 người. Mục tiêu đến cuối năm 2030, số lao động được đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hàng năm đạt khoảng 3.500 người; 100% số người học nghề phi nông nghiệp có việc làm mới; 100% người học nghề nông nghiệp có việc làm, thu nhập cao hơn. Bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã mỗi năm 200 lượt người.

Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t