Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (20:03 03/09/2020)


HNP - Chiều 3/9, Thường trực HĐND quận Hoàn Kiếm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Về triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận”.

Toàn cảnh hội nghị


3 tiềm năng, thuận lợi
 
Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, hiện nay, quận có 3 tiềm năng, thuận lợi chính để phát triển kinh tế đêm (KTĐ). Thứ nhất, Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hoá Thăng Long - Hà Nội, hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển KTĐ, đặc biệt là có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng. Trên địa bàn quận có 190 di tích, trong đó nhiều di tích có giá trị, tiêu biểu của Thủ đô và đất nước; có các tuyến phố chuyên doanh, thương mại sầm uất; tập trung nhiều ngân hàng, trung tâm tài chính, chứng khoán, với 676 khách sạn, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành,... đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm còn có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng du khách trẻ đông, tập trung tại các khu vực phố cổ, phố cũ có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao.
 
Thứ hai, những năm gần đây, số lượng du khách quốc tế lưu trú trên địa bàn tăng nhanh (năm 2016 đạt 1,4 triệu lượt, năm 2017 đạt 1,8 triệu lượt, năm 2018 đạt 2,1 triệu lượt, năm 2019 đạt 2,35 triệu lượt). Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Thứ ba, Thủ đô nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng có tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, rất thuận lợi cho phát triển KTĐ.
 
Thực tế, KTĐ đã hình thành ở quận Hoàn Kiếm từ nhiều năm nay diễn ra dưới các loại hình như: Các không gian đi bộ, chợ đêm, các tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán café, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường phố,… vào ban đêm. Tuy nhiên, các hoạt động KTĐ còn nghèo nàn, đơn điệu; hoạt động kinh doanh đêm chưa mang tính bền vững, chất lượng chưa cao; phát triển KTĐ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự...
 
Theo Đề án tổ chức thí điểm phát triển KTĐ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phạm vi hoạt động KTĐ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ mua sắm; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Các hoạt động du lịch; Các hoạt động vận chuyển; Các hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động KTĐ. 
 
Về thời gian tổ chức các hoạt động KTĐ cụ thể như sau: Các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần; Các Không gian đi bộ trong Khu phố cổ, Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu tổ chức đồng bộ với thời gian tổ chức Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Các hoạt động ngoài trời tổ chức đến 24h00; Các điểm di tích, di sản phục vụ du lịch mở cửa đến 24h00.
 
Cử tri đồng tình
 
Phát biểu tại hội nghị, cử tri Nguyễn Thị Minh Hà (phường Lý Thái Tổ), đồng tình với đề án phát triển KTĐ của quận. Theo cử tri Hà, qua thời gian thí điểm tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được bán hàng đến 2 giờ đêm có thể thấy việc kinh doanh đêm rất hiệu quả thu hút nhiều hơn du khách du lịch đến với Hà Nội, và lưu trú lâu hơn ở Hà Nội. Theo cử tri Hà, ban ngày du khách đi tham quan các địa điểm du lịch, ban đêm họ cũng muốn đi dạo và mua sắm. Nếu không có những điểm để họ mua bán đêm thì rất đáng tiếc.
 
Cử tri quận Hoàn Kiếm phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
 
Đồng tình với ý kiến của cử tri Hà, đại diện Cty TNHH thương mại, dịch vụ Phong Cách Việt cho rằng du khách đến với Hà Nội là rất lớn, chỉ tính riêng năm 2019 ngành du lịch Thủ đô đón 29 triệu lượt khách (7 triệu là du khách quốc tế), ngoài ra, Hà Nội có khảng 10 triệu người sinh sống bao gồm cư dân, người nước ngoài và ngoại tỉnh. Tuy nhiên các dịch vụ kinh doanh ở Hà Nội chủ yếu hoạt động từ 7h sáng đến 18h tối và đây là một hạn chế. Mức chi tiêu trung bình của du khách tại Việt Nam còn khá thấp, bình quân khoảng 95 USD/ngày. Trong khi đó, theo thống kê của các nước du khách sẽ dành 50% chi tiêu ban ngày 50% chi tiêu cho các dịch vụ giải trí ban đêm. Thay mặt các DN có hoạt động vào ban đêm, đại diện Cty Phong Cách Việt mong muốn được kéo dài hoạt động kinh doanh vào ban đêm để khách thoải mái du lịch và tham quan vào ban đêm; đồng thời, mong muốn TP và Quận mở rộng mạng lưới giao thông công cộng ban đêm như kéo dài hoạt động một số tuyến xe bus; mở thêm điểm đón taxi và các điểm trông xe ban đêm.  
 
Cử tri Nguyễn Khắc Minh (phường Hàng Buồm) cho rằng, Đề án được thực hiện sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Quận sau đại dịch Covid-19 Tuy nhiên theo cử tri Minh, để triển khai Đề án hiệu quả cần đầu tư xây dựng, nâng cấp khu vực phố đi bộ, các khu vực gầm cầu; các điểm thương mại như chợ Đồng Xuân. Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm cần phải có kế hoạch liên kết các HTX, các trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố để đa dạng mặt hàng kinh doanh phục vụ du khách. Các nhà mặt phố phải sạch đẹp; quy hoạch các khu bán từng mặt hàng rõ rệt; giá cả phải được kiểm soát. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành để giải quyết tiếng ồn ban đêm; vấn đề vệ sinh môi trường… để đảm bảo môi trường du lịch hấp dẫn.
 
Cử tri Nguyễn Quyết Thắng (phường Hàng Mã) đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về du lịch cũng như phát triển KTĐ của Hoàn Kiếm. Theo cử tri Thắng để thu hút được du khách cần bố trí giao thông hợp lý, như bến bãi trông xe thuận lợi cho việc mua sắm, tham quan của du khách. Bố trí nhà vệ sinh, điểm thu gom rác hợp lý. Còn theo cử tri Nguyễn Văn Lượng (phường Hàng Bông), hiện, Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng đã tổ chức một số hoạt động ban đêm như tuyến phố đi bộ khu mua sắm, khu ẩm thực, các cửa hàng tiện ích,… tuy nhiên, các hoạt động này chưa thể gọi là phát triển KTĐ theo đúng nghĩa mà mới chỉ là khai thác quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo điểm nhấn, chưa thực sự đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Quận. Để xây dựng phát triển KTĐ theo cử tri Lương, TP và Quận phải tạo một số sản phẩm hướng tới du lịch hoạt động đêm; những sản phẩm này phải thực hiện thu hút và giữ chân được du khách khi họ đến với Hoàn Kiếm. Việc xây dựng, quy hoạch các địa điểm hoạt động về đêm phải phù hợp với công năng sử dụng không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Cần bố trí các loại hình dịch vụ phù hợp với từng khu vực, chuyên sâu có lựa chọn hợp lý tạo điểm nhấn riêng biệt mà các nơi khác không có. Cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ về phát triển KTĐ, theo đó, khi phát triển dịch vụ, thời gian, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó phải đáp ứng về các tiêu chuẩn, chất lượng về tiếng ồn, ánh sáng và phải xa tổ dân phố, bệnh viện trường học; đồng thời, phải tăng cường năng lực công tác quản lý nhà nước để tránh biểu hiện biến tướng, tệ nạn phát sinh. Cùng với đó, cần phải có quy hoạch, sắp xếp các mặt hàng kinh doanh cho phù hợp với nét ẩm thực của Hà Nội nói chung quận Hoàn Kiếm nói riêng, mặt hàng nào phù hợp thì khuyến khích phát triển, mặt hàng nào không phù hợp thì tuyên truyền vận động chuyển đổi. Việc tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế ban đêm, phải gắn liền với văn hoá nghệ thuật nhằm bảo tồn di sản văn hoá cũng như xây dựng hình ảnh văn hoá con người Việt, các món ăn truyền thống của Hà Nội.
 
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân tiếp thu các ý kiến của cử tri
 
Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân khẳng định 100% ý kiến cử tri phát biểu tại hội nghị đồng tình với Đề án phát triển KTĐ của quận. Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, việc thí điểm kinh doanh đêm thời gian qua đã đạt kết quả rất đáng kích lệ. Để củng cố hoạt động phát triển KTĐ, hạn chế sự manh mún, bất cập thì việc triển khai thí điểm Đề án là rất cần thiết. Quận nhận định cần tạo môi trường kinh doanh, an ninh trật tự đảm bảo để thúc đẩy phát triển kinh tế, sau khi thí điểm sẽ hướng tới kinh doanh 24 giờ. Khi Đề án được Thành phố phê duyệt sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 triển khai trong 1 năm, trong đó, sẽ mở rộng thêm việc kinh doanh, phố đi bộ ở một số tuyến phố. Giai đoạn 2 sau khi hoàn thiện giai đoạn 1 sẽ phát triển trong toàn quận. Quận Hoàn Kiếm cũng tăng cường xây dựng cải tạo cảnh quan môi trường; lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng, thùng rác tại các tuyến phố, điểm tham quan du lịch…; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền về sản phẩm du lịch đặc thù của quận cũng như hoạt động phát triển KTĐ một cách bài bản.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t