Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Chương Mỹ: Gắn với phát triển làng nghề (20:55 31/08/2020)


HNP - Sau 10 năm (2010-2020) thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, phần lớn lao động của huyện Chương Mỹ vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng đã học vào lao động, sản xuất, góp phần tăng thu nhập, đời sống được nâng cao. Không chỉ có vậy, công tác đào tạo nghề của huyện còn gắn với phát triển làng nghề...

Bước chuyển mạnh trong học nghề

Chương Mỹ là một trong những huyện dẫn đầu toàn thành phố Hà Nội về số lượng làng có nghề. Hiện nay, huyện có 95/216 làng có nghề, trong đó, 35 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận. Vì vậy, công tác đào tạo nghề gắn với phát triển làng nghề, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn luôn được huyện Chương Mỹ đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến chia sẻ: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg, UBND huyện đã chủ động xây dựng ban hành các văn bản triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm đúng tiến độ. Các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và được thực hiện nghiêm túc, kết quả đã tạo chuyển biến mạnh trong học nghề và giải quyết việc làm.

Cụ thể hóa chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều xã của huyện Chương Mỹ như: Tân Tiến, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Thanh Bình, Mỹ Lương, Quảng Bị, Trường Yên, Tốt Động, Hòa Chính… làm rất tốt nhiệm vụ này. Đa số những học viên đã và đang tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Chương Mỹ khi được hỏi đều cho biết hứng thú với việc học vì mang lại lợi ích thiết thực. Chị Nguyễn Thị Anh, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, chỉ sau 3 tháng học nghề đã nắm bắt được các khâu trong sản xuất đồ mộc. “Không chỉ áp dụng kiến thức được học cho chính mình, mỗi học viên được đào tạo nghề còn truyền đạt cho hàng xóm để cùng phát triển sản xuất hoặc xin vào doanh nghiệp làm việc, nâng cao thu nhập”, chị Nguyễn Thị Anh nói.

Cũng do làm tốt công tác đào tạo nghề, nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã tự xoay xở vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các làng nghề. Xã Phú Nghĩa là một điển hình vượt khó. Toàn xã có 7/7 làng nghề làm nghề mây, tre đan từ hơn 400 năm nay. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Văn Phụng cho biết, song song với đổi mới mẫu mã, nhạy bén tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, địa phương đã làm tốt công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề và nhân cấy nghề nên vượt qua được những khó khăn, thách thức. Hiện, làng nghề của xã đang thu hút 2.900 hộ gia đình tham gia. “Mới đây, xã Phú Nghĩa có 16 sản phẩm mây tre đan được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Đây là niềm tự hào để chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác phát triển làng nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới”, ông Phụng nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho hay, nhiệm vụ này đang đi đúng hướng và chuyển biến mạnh mẽ. Hằng năm, Chương Mỹ đều giao chỉ tiêu dạy nghề, giải quyết việc làm cho các xã, thị trấn với mục tiêu, đào tạo nghề cho 3.500 lao động, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg cho 1.800 lao động, giải quyết việc làm cho 4.200 lao động.

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo

Qua tìm hiểu công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Chương Mỹ được biết, trước khi mở các lớp học, các phòng chuyên môn đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều tổ chức hội nghị tư vấn cho người lao động trên địa bàn huyện. Các cấp, ngành của huyện cũng đã thực hiện tốt kế hoạch phát triển làng nghề gắn với đào tạo và giải quyết việc làm. Do đó, một số nghề được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.

Trong quá trình tổ chức các lớp học nghề, các phòng chuyên môn của huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương thực hiện giám sát, quản lý lớp học, như: Điểm danh học viên các buổi học, giám sát việc cấp, phát nguyên liệu phục vụ dạy và học, việc thực hiện chương trình theo hợp đồng, cấp chứng chỉ, giáo trình đào tạo, chi trả các chế độ cho học viên theo quy định hiện hành…

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế, nhiều làng nghề truyền thống ở Chương Mỹ đã được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Qua đó, tạo việc làm cho lao động, tăng thu nhập và phát triển kinh tế địa phương. Không chỉ vậy, công tác đào tạo nghề đã giúp nâng cao trình độ đội ngũ lao động, qua đó nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp làng nghề.

Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, thị trường và thế mạnh trong phát triển làng nghề, trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khảo sát, lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với đối tượng và phương hướng phát triển kinh tế làng nghề để thu hút được đông đảo bà con tham gia.


H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t