Thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (20:57 31/08/2020)


HNP - Trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Những năm qua, thành phố rất quan tâm đến phát triển kinh tế-xã hội cho bà con đồng bào dân tộc, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc. Khảo sát mới đây của HĐND thành phố tại một số huyện cho thấy, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống và cần tiếp tục quan tâm để thu hẹp khoảng cách với vùng đồng bằng và thành thị.

Đời sống người dân từng bước nâng lên

Để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội dành hơn 2.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 224 dự án gồm các lĩnh vực: Y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt, văn hóa, trường học, giao thông. Ngoài ra, thành phố còn có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, chính sách đối với người có uy tín, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, chính sách vay vốn và chính sách về y tế, giáo dục…

Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Ánh Dương cho biết, các chương trình, dự án, chính sách được triển khai kịp thời. Đến nay, kết cấu kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước được cải thiện. 100% các xã miền núi đều có mạng lưới điện quốc gia, trình độ dân trí ngày một nâng cao, tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu sống tập trung tại hai xã miền núi Phú Mãn và Đông Xuân. Được sự quan tâm của thành phố, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư, các chính sách về dân tộc được quan tâm, nên đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, tạo đà để nhân dân hai xã miền núi từng bước thu hẹp khoảng cách với vùng đồng bằng và thành thị. Đặc biệt, từ năm 2017, hai xã Đông Xuân và Phú Mãn đã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện Thạch Thất có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 0,82%, giảm 2,22% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người 44 triệu đồng/người/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2016. Các nhà văn hóa thôn từng bước được đầu tư xây dựng bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho nhân dân; 3 Trạm y tế của 3 xã đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng, hệ thống đài truyền thanh được đầu tư…

Huyện Mỹ Đức có một xã duy nhất An Phú là xã dân tộc miền núi. Những năm qua, UBND huyện triển khai các chính sách đối với đồng bào dân tộc công khai, dân chủ, đúng quy định, có hiệu quả thiết thực gắn với kiểm tra, giám sát. “Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6% đến 8%; 100% đường giao thông liên thôn, bản được bê tông, 40% hệ thống thủy lợi, kênh mương được cứng hóa; các thôn đều có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng…”- Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Ông Bùi Văn Bồng (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai) cho biết, kể từ khi có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, không chỉ đường giao thông liên thôn được bê tông hóa, một số hộ dân trong xã được hỗ trợ tiền nước sinh hoạt.

Bà Phùng Thị Hiền (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) bày tỏ phấn khởi “Chính sách của nhà nước đã giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Tiếp tục quan tâm để thu hẹp khoảng cách

Việc thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố là không thể phủ nhận, song để thu hẹp khoảng cách giữa các xã dân tộc với vùng đồng bằng và thành thị vẫn cần thêm sự quan tâm của nhà nước và nguồn lực xã hội hóa. Bởi thực tiễn, nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực ở các xã vùng dân tộc miền núi rất nhưng, nhưng việc bố trí nguồn lực chưa đáp ứng. Đơn cử, tại huyện Quốc Oai, theo Kế hoạch 138/KH-UBND, ngày 15/7/2016, huyện được phê duyệt 58 dự án cho vùng đồng bào dân tộc, nhưng, đến nay, mới được triển khai đầu tư 14 dự án; huyện Mỹ Đức, cũng theo Kế hoạch 138/KH-UBND được duyệt 27 dự án, nhưng, đến nay, mới triển khai được 13 dự án.

Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, việc đầu tư các chương trình, dự án còn dàn trải, triển khai thi công kéo dài, nhất là các dự án về giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đầu tư. Nguyên nhân, cùng với việc khả năng đối ứng của các địa phương và nhân dân hạn chế, còn do việc đề nghị quy mô đầu tư ở một số địa phương chưa sát với thực tế, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu đề xuất, để nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố cần bố trí đủ nguồn lực theo kế hoạch, đặc biệt ưu tiên cho nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và dự án đầu tư cho phát triển thủy lợi, nông nghiệp. Còn Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương đề nghị, thành phố quan tâm, có chính sách đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị cao cho bà con vùng đồng bào dân tộc.

Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình khẳng định, sau đợt khảo sát thực tế tại các địa phương, trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị từ các huyện, các ban HĐND thành phố sẽ đề xuất, kiến nghị với Thường trực HĐND, UBND thành phố các giải pháp để các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào cuộc sống chất lượng, hiệu quả hơn nữa.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t