Huyện Mê Linh phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững (20:21 03/08/2020)


HNP - Thời điểm hiện tại, huyện Mê Linh đã sẵn sàng cho Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Nối tiếp những kết quả đạt được toàn diện về mọi mặt trong 5 năm qua, đại hội đặt mục tiêu tiếp tục huy động, phát triển kinh tế - xã hội huyện Mê Linh nhanh, toàn diện, bền vững.

Trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện được chỉnh trang chào mừng Đại hội


Nhiều kết quả ấn tượng

Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mê Linh đã lãnh đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ huyện đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, nhưng kinh tế huyện tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân hằng năm đạt 24.399 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm là 8%. Thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm đạt 4.200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 2,15 lần so với năm 2015.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng: Sản xuất công nghiệp - xây dựng dù giảm về tỷ trọng nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8,4%/năm (bình quân hằng năm đạt 21.668 tỷ đồng). Giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ hằng năm bình quân đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 8,7%/năm. Đến nay, toàn huyện có 1.598 doanh nghiệp dịch vụ, thương mại và 3.109 hộ cá thể kinh doanh dịch vụ, thương mại đã đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.

Điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế của huyện đó là thành tựu về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững và có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản phẩm một héc ta trồng trọt của huyện đạt 175 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Giá trị ngành chăn nuôi của huyện đạt 439 tỷ đồng, tăng bình quân 0,6%/năm và chiếm 27% trong kinh tế nông nghiệp. Huyện Mê Linh cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 16/16 xã; hiện đang tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Đại Thịnh và Liên Mạc. Mê Linh phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội

Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, Mê Linh còn có bước phát triển toàn diện về các mặt văn hóa, xã hội. Trong đó, văn hóa tiếp tục phát triển, có nhiều mặt chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện có 90% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hoá, 85,3% thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hoá. Công tác phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được coi trọng, đã có 57/78 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ, 18/18 xã, thị trấn của huyện đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện có nhiều đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Có được kết quả này là nhờ huyện luôn xác định công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị là nhiệm vụ then chốt. Từ đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị. Vai trò người đứng đầu được thể hiện rõ nét. Năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Huyện luôn đi đầu trong thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Đặc biệt, việc đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng có tính đột phá, đạt hiệu quả rõ nét, được Trung ương, thành phố ghi nhận và nhân rộng. Trong công tác phát triển tổ chức Đảng từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Đảng bộ huyện đã thành lập mới 25 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, kết nạp 30 đảng viên. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy; thực hiện sắp xếp 13 đảng bộ bộ phận để thành lập các chi bộ thôn trực thuộc đảng ủy xã trên cơ sở nguyện vọng của đảng viên, nhân dân...

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân

Trên cơ sở phân tích thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra trong giai đoạn tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mê Linh xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: “Xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng huyện Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững”. Trong đó, trong phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững. Văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt công tác quân sự - quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Cụ thể hóa mục tiêu này, Đảng bộ huyện Mê Linh xác định rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu, 2 khâu đột phá. Đột phá thứ nhất là: Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Đột phá thứ hai là: Nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Đồng chí Đoàn Văn Trọng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện tặng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ xã Văn Khê

Huyện Mê Linh cũng đề ra những định hướng lớn cho giai đoạn 2020-2020. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, trong phát triển kinh tế, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế… Để có cơ sở cho xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, song song nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, huyện phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn…

Cùng với hoàn thiện xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống nhân của nhân dân, theo định hướng, huyện Mê Linh sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển văn hóa, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường... Qua đó, tạo bước chuyển mạnh mẽ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.

Về công tác xây dựng Đảng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng khẳng định, Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, trong đó, đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt và chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức chi bộ, nhất là chi bộ thôn, tổ dân phố, chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước...

Với tiềm năng, thế mạnh và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân, chắc chắn Đảng bộ huyện Mê Linh sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện, bền vững.

Một số chỉ tiêu chính thực hiện đến năm 2025 của huyện Mê Linh
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8 - 8,5%/năm.
- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân đạt 1.000 tỷ đồng/năm.
- Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một héc ta đất nông, thủy sản hằng năm bình quân đạt 205 triệu đồng/ha.
- Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia 85 - 90%.
- Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo 80 - 85%.
- Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố.
- Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%.
- Số đảng viên mới được kết nạp hằng năm 200 đảng viên.


H. Hạnh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t