Phúc Thọ: Khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng để phát triển nhanh, bền vững (07:54 30/07/2020)


HNP - Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020 với nhiều khó khăn, thách thức của một huyện thuần nông như: kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nhỏ lẻ, chưa phát triển; nguồn thu ngân sách hạn hẹp… huyện Phúc Thọ đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với khoa học công nghệ, hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 9%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn tiếp tục được nâng cao.

Huyện Phúc Thọ vững bước trên con đường xây dựng và phát triển


Giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế huyện Phúc Thọ duy trì mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 9%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2015 đạt 7.099 tỷ đồng; năm 2019 đạt 11.151 tỷ đồng; năm 2020 ước đạt 12.450 tỷ đồng. Đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất ước đạt 12.450 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 1,71 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp (45,2%), Tiểu thủ công nghiệp (33,6%), Nông nghiệp (21,2%).
 
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hình thành các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế. Đến năm 2020, toàn Huyện đã thực hiện chuyển đổi được 480ha rau an toàn, 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả, 3.063ha lúa chất lượng cao. Chú trọng việc đăng ký các nhãn hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, mở rộng các mô hình khuyến nông, ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn sinh học. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng 1,4 lần so với năm 2015. Các hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức, sắp xếp, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, từng bước phát huy hiệu quả các dịch vụ. 
 
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản phát triển và tăng trưởng cả về quy mô, giá trị sản xuất. Đến nay, toàn Huyện có trên 700 doanh nghiệp, 9.521 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 29.019 lao động. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã chú trọng đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ước tính hết năm 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN, XDCB đạt 5.672 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 12,7%/năm (vượt 2,7%/năm so với mục tiêu Đại hội XX).
 
Việc thu hút, mời gọi đầu tư về Huyện đạt được kết quả rất tích cực. Đặc biệt, năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư cho 5 doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp: Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Võng Xuyên với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; Tập đoàn TH True Milk đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô 200ha tại Hiệp Thuận. Đây là tiền đề cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư, tăng thu ngân sách cho Huyện một cách bền vững trong những năm tới đây. 
 
Công tác quản lý, điều hành ngân sách được thực hiện đúng Luật Ngân sách Nhà nước, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi được giao và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách tại địa phương. Trong 5 năm, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.625,8 tỷ đồng; Tổng chi ngân sách Huyện ước đạt 6.018 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản 1.514 tỷ đồng; đảm bảo kinh phí chi an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phòng chống dịch bệnh.
 
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của Huyện được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với định hướng quy hoạch hành lang xanh. Đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới 20/20 xã, quy hoạch trung tâm hành chính xã, điểm dân cư nông thôn 21/21 xã, thị trấn theo quy định. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, cơ bản bám sát thực tế và các yêu cầu phát triển của địa phương. Trong việc xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, huyện đã hoàn thành một số công trình giao thông lớn như: Dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 421, Tỉnh lộ 419, đường Thọ Lộc - Võng Xuyên - Phương Độ, hoàn thiện đường Thanh Đa - Tam Thuấn - Hát Môn…
 
Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020, Huyện ủy đã tập trung xây dựng nông thôn mới bằng việc xây dựng Chương trình hành động, đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá, phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, những việc làm tốt. Trên cơ sở đó các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ Huyện đến các xã, thị trấn, các thôn, tổ dân phố thống nhất xây dựng kế hoạch, đề án triển khai tổ chức thực hiện phù hợp với địa phương, đơn vị. Đến nay, 100% số xã của Huyện đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 15 xã so với năm 2015 và sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra (năm 2020); 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới đều đạt. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương và Thành phố xem xét, công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020.
 
 
Công tác phổ cập giáo dục đạt kết quả tích cực; tỷ lệ chuyển lớp Tiểu học đạt 99%; THCS đạt 98.5%; tỷ lệ hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%; xét tốt nghiệp THCS đạt 98.2%; tốt nghiệp THPT đạt 98%. Những năm gần đây, số học sinh, giáo viên của Huyện dự và đạt giải tại các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi cấp thành phố tăng lên.
 
Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, huyện Phúc Thọ vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Huyện còn hạn chế. Công tác tổ chức, hướng dẫn thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch còn chậm; chưa thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung; hiện tượng để ruộng bỏ hoang chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương và chưa được xử lý, khắc phục triệt để. Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng ở một số cơ sở chưa được hoàn thiện, đồng bộ; công tác bảo đảm môi trường ở một số làng nghề, việc xử lý nước thải ở một số nơi chưa tốt, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe của Nhân dân. Tỷ lệ trường đạt chuẩn ở các cấp học chưa đồng đều; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chuyển biến chưa rõ nét; cơ sở vật chất, địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao tại một số thôn, tổ dân phố còn thiếu.
 
Với những kết quả tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và quyết tâm xây dựng huyện Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, huyện Phúc Thọ sẽ chủ động khắc phục các hạn chế, khó khăn, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững để góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô và Đất nước.

Minh Đăng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t