Đảng bộ huyện Thanh Oai: 10 dấu ấn nổi bật trong 75 năm qua (16:49 20/07/2020)


HNP - Trải qua 75 năm ra đời, xây dựng và trưởng thành (1945-2020), Đảng bộ huyện Thanh Oai đã lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thành tựu quan trọng. Những dấu ấn đáng tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Oai đã và đang được giữ lửa, tuyên truyền, giáo dục để phát huy hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Thủ đô và cả nước.

Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Minh Kha, xã Bình Minh - thành công từ xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Oai


Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ, thành tựu trong 75 năm qua được huyện đúc kết trong 10 dấu ấn nổi bật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân trong huyện ngày càng nâng cao.

1. Ngay sau khi Chi bộ đội công tác (tiền thân của Đảng bộ huyện) ra đời ngày 10/10/1945, là mốc son chói lọi đánh dấu sự phát triển, xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của huyện Thanh Oai.

Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân Thanh Oai đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ quê hương với những trận đánh tiêu biểu như: trận chống càn ở Cự Đà, ngày 27/3/1947; trận chống càn vườn cam xã Thanh Mai ngày 20/10/1949; trận chống càn ở Tam Hưng, ở Quế Sơn… và đã cùng nhân dân bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng về ở và làm việc trong suốt 25 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, tại thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương.

2. Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Oai lần thứ Nhất, tháng 7/1947, đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong bối cảnh hết sức khó khăn, phải hoạt động bí mật, mặc dù bị tổn thất nặng nề do sự lùng sục của thực dân Pháp, song các đảng viên kiên trung của Đảng bộ vẫn bám đất, bám dân, gây dựng phong trào ngày càng vững mạnh.

3. Sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), Đảng bộ huyện Thanh Oai đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân trong huyện, khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất. Điểm trọng đại ở thời điểm này là: Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, hưởng ứng thi đua chống giặc dốt, giặc đói, toàn huyện đã dồn sức đào một con sông tiêu nước chảy dài từ Bắc đến Nam huyện. Đặt tên sông tiêu nước, gọi tắt là sông Hòa Bình. Đại công trình thủy lợi này đã góp phần quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống nhân dân.

4. Giai đoạn 1965-1975, là giai đoạn của cao trào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống giặc Mỹ xâm lược.

Thực hiện lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, tiến lên chiến sỹ đồng bào, Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn”, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 32 đợt tuyển quân, cung cấp cho quân đội và chiến trường  13.085 nam, nữ Thanh Oai, tòng quân bảo vệ tổ quốc, cung cấp lương thực thực phẩm cho chiến trường. Hoàn thành vẻ vang khẩu hiệu hành động thời chiến: “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đã góp phần vào thắng lợi chung của đất nước của dân tộc.

5. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982), với phương châm: "lấy Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu", Huyện ủy đã tổ chức chỉ đạo trên hai mũi tiến công là:

Thứ nhất, tích cực thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến vào sản xuất, đưa giống lúa mới ngắn ngày, năng suất cao, trồng cây vụ Đông đan xen gối vụ, làm tăng nhanh tổng sản phẩm lương thực, thực phẩm đạt và vượt chỉ tiêu các Đại hội đề ra.

Thứ hai, sáng tạo tìm tòi mô hình cải tiến quản lý hợp tác xã sao cho phù hợp với việc phát triển kinh tế hàng hóa đã và đang hình thành. Tổng kết lại toàn huyện có nhiều mô hình Hợp tác xã hiệu quả, nhưng, tại thời điểm đầu của thời kỳ đổi mới, hợp tác xã Nông công thương tín Bình Minh ra đời (là tiền thân của mô hình HTX hiện nay vừa sản xuất, vừa kinh doanh dịch vụ, vừa huy động vốn), đã nổi lên như một ngôi sao sáng của toàn quốc. HTX Nông công thương tín Bình Minh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ V (1985).

6. Một điểm mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện là  những năm đầu đổi mới, đã đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện thành công hai mô hình: Đưa bác sỹ tại phòng y tế, bệnh viện huyện về làm trưởng, phó trạm y tế xã. Quá trình thực hiện làm điểm ở các xã như xã Hồng Dương, Tam Hưng,… Đã thành công đạt hiệu quả cao trong việc phòng, khám, chữa bệnh ngay tại tuyến xã cho nhân dân.

Đưa cán bộ Công an huyện chính quy về làm trưởng, phó công an xã. Quá trình thực hiện trong các xã làm điểm đã đạt được kết quả cao trong việc bảo đảm an nịnh, trật tự, an toàn xã hội, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Năm 1992 đã được Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Công an Mai Chí Thọ về thăm. Qua mô hình làm điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định đạt kết quả tốt, cho nhân ra toàn huyện, đã và đang phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến xã, trong việc đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong thế trận an ninh trong lòng dân.

7. Công tác xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch vững mạnh được chú trọng, việc luân chuyển, điều động cán bộ đi cơ sở và việc đưa cán bộ cơ sở có kinh nghiệm lên công tác tại các phòng ban chuyên môn của huyện đã thật sự đem lại hiệu quả, đến nay, đã có một đội ngũ cán bộ trưởng thành, có bản lĩnh vững vàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

8. Năm 1995, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thanh Oai đã gương mẫu thực hiện triệt để Chỉ thị 406-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 08/8/1994, về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995. Nghề làm pháo của huyện Thanh Oai là nghề làm pháo cổ truyền đã có từ hàng ngàn năm lịch sử, mang lại hiệu quả thu nhập cao cho người dân làm pháo. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước mà cụ thể là Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ. Đảng bộ và Nhân dân Thanh Oai nói chung, Đảng bộ và Nhân dân các xã Bình Minh, Thanh Cao, Cao Viên, các xã phụ cận làm pháo đã hoàn thành triệt để hủy pháo, bỏ nghề làm pháo.

Với những điểm sáng tích cực trên nhiều mặt, dù là trong những thời điểm khó khăn nhất, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộThanh Oai đã vượt qua và đã được Nhà nước ghi nhận, tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho nhân dân và cán bộ Thanh Oai (năm 2002); Cán bộ và nhân dân xã Tam Hưng được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1995. Năm 2012, huyện được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Oai đang phấn đấu để năm 2020 đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì.

9. Các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới, 20/20 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Thanh Oai đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; diện mạo quê hương Thanh Oai không ngừng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, dự kiến, hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người là 55 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,52%.

10. Huyện Thanh Oai được 6 lần Bác Hồ ở, thăm, làm việc với nhiều giai đoạn từ cuối năm 1946 đến năm 1967 và ở các thời điểm khác nhau trong quá trình hoạt động cách mạng. Đồng thời, có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và làm việc như đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết,…

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Đảng bộ huyện Thanh Oai và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo việc sưu tầm, biên soạn, bổ sung tái bản cuốn sách Đảng bộ huyện Thanh Oai - từ Đại hội đến Đại hội 1945-2020.


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t