Huyện Gia Lâm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC&CNCH giai đoạn 2020 -2025 (15:57 21/07/2020)


HNP - Thống kê trong 5 năm gần đây, trên địa bàn huyện Gia Lâm xảy ra 145 vụ cháy, làm 03 người chết, 02 người bị thương, ước tính về tài sản hơn 10,1 tỷ đồng. Để chủ động ứng phó trước tình hình mới, UBND huyện xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả công tác PCCC&CNCH trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025 nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC&CNCH.

Huyện Gia Lâm được xác định là địa bàn quan trọng của Thủ đô về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, nằm cửa ngõ phía Đông của Thủ đô trên trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Kinh tế của huyện phát triển đa dạng theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ (chiếm 85%) và nông nghiệp (chiếm 15%). Kinh tế hộ gia đình đã tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống như: may mặc, kinh doanh bông vải sợi, chế biến nông sản, dược liệu, sản xuất gốm sứ... Đây là cơ hội cho việc phát triển kinh tế và cũng là yêu cầu đặt ra với công tác đảm bảo ANTT và an toàn PCCC.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ

Hiện nay, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở, nhất là tại các khu dân cư trên địa bàn huyện còn bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu công tác chữa cháy; đáng chú ý là trên địa bàn huyện hiện có 64 khu dân cư không có trụ nước và cũng không có nguồn nước tự nhiên để chữa cháy; 15 khu dân cư xe chữa cháy không vào được; đặc biệt có 10 khu dân cư xe chữa cháy không vào được và cũng không có nguồn nước để chữa cháy; 09 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Địa bàn huyện còn có khoảng 1.280 nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; 229 cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen lẫn trong khu dân cư. Hệ thống đường dây dẫn điện tại các khu dân cư đã, đang và sẽ tiếp tục là nguy cơ gây cháy cao, trong năm 2019, đã xảy ra 22 vụ cháy, trong đó, có tới 18 vụ cháy xảy ra do nguyên nhân chập, sự cố thiết bị điện.


Địa bàn dân cư huyện Gia Lâm cũng là địa bàn có nhiều khu dân cư nguy hiểm về cháy nổ, tập trung chính tại 04 làng nghề lâu đời với khoảng 900 hộ sản xuất, kinh doanh, gồm Làng nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng, Làng nghề gốm sứ truyền thống Kim Lan, Làng nghề may da Kiêu Kỵ, Làng nghề chế biến thuốc Bắc, thuốc Nam và kinh doanh vải Ninh Hiệp. Đại đa số các khu vực trong các làng nghề đều có nguy cơ cháy nổ cao vì hầu hết các hộ gia đình làm nghề truyền thống là kinh doanh, buôn bán, sản xuất kết hợp cùng nhà ở gia đình, tồn chứa nhiều chất dễ cháy với khối lượng lớn (vải, da,...), sử dụng chất dễ cháy, nổ trong sản xuất (gas công nghiệp), song các cơ sở đều không đảm bảo về PCCC.

 

Thêm vào đó, huyện có 04 cụm công nghiệp gồm: CCN Ninh Hiệp, CCN Phú Thị, CCN thực phẩm Hapro, CCN làng nghề Bát Tràng hoạt động từ rất lâu, còn tồn tại vi phạm về công tác PCCC, không đáp ứng được theo yêu cầu hiện tại. Trên địa bàn huyện Gia Lâm có tổng số 11 nhà chung cư cao tầng, 20 nhà chung cư nhiều tầng, 01 chung cư mini. Số lượng nhà trọ nhiều tầng tập trung chính tại Thị trấn Trâu Quỳ. Đa phần các nhà trọ đều không đảm bảo các điều kiện PCCC về lối thoát nạn, trang bị phương tiện hệ thống PCCC,... Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 24 chợ, trong đó, đã có 09 chợ bị cơ quan Cảnh sát PCCC ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động do không đảm bảo an toàn PCCC. Đáng chú ý có Chợ Nành - Ninh Hiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, đã bị Công an TP Hà Nội xử phạt VPHC 96 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động, nhưng đến nay, chợ vẫn chưa khắc phục các vi phạm về PCCC. 


Đồng bộ các giải pháp đảm bảo PCCC&CNCH


Cùng với sự vào cuộc tích cực thực hiện quả Đề án, huyện Gia Lâm sẽ xây dựng quy chế phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng Cảnh sát PC&CC với lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng, lực lượng dân quân tự vệ, các phòng, ban, ngành của huyện đối với các vụ cháy, CNCH lớn, nghiêm trọng. Đồng thời, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH phù hợp với tình hình thực tế. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC với nhiều nội dung, hình thức hoạt động thiết thực, hiệu quả; đặc biệt, chú trọng đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học,...trên địa bàn huyện.

Để củng cố lực lượng PCCC&CNCH cơ sở, huyện sẽ tăng cường xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, CNCH có huy động nhiều lực lượng phương tiện tham gia, xử lý thảm họa, tai nạn nghiêm trọng về cháy, nổ, tai nạn, sự cố... Tăng cường công tác bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, tổ chức thi nghiệp vụ PCCC để nâng cao kỹ năng, trình độ cho lực lượng PCCC cơ sở.

Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, trong đó, thường xuyên khảo sát, đánh giá thực trạng giao thông, nguồn nước, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho đội PCCC và bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC, trang bị phương tiện PCCC tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, các trường học, cơ sở y tế,... và các khu dân cư 20 xã, 02 thị trấn để kịp thời phát hiện các sự cố cháy nổ xảy ra và có biện pháp xử lý nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Thống nhất giữa các cơ quan, ban ngành trong việc lập quy hoạch mới đối với các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; cấp phép xây dựng mới cho các dự án, công trình phải bảo đảm được đầu tư về giao thông, nguồn nước chữa cháy, phải trang bị đầy đủ lực lượng, phương tiện tại chỗ, đảm bảo các điều kiện về PCCC&CNCH; không để xảy ra tình trạng các công trình đưa vào xây dựng khi chưa có đủ các điều kiện về hạ tầng, an toàn PCCC.

Kiện toàn lực lượng dân phòng ở các thôn, tổ dân phố và xây dựng các chương trình hoạt động thiết thực đảm bảo thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Trang cấp bổ sung các phương tiện chữa cháy, CNCH phục vụ chữa cháy lớn, phức tạp theo quy định. Đề xuất các cấp có thẩm quyền tăng cường đào tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác PCCC, cần tập trung vào đào tạo chuyên sâu theo từng chuyên ngành: PCCC& CNCH; có cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC về lâu dài.

Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về PCCC&CNCH đối với cơ sở trọng điểm về chính trị, an ninh quốc phòng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh karaoke, gas, cơ sở sản xuất, kho chứa tập trung nhiều hàng hóa dễ cháy, nổ xen kẽ trong khu dân cư (đặc biệt là các khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ cao). Kiên quyết xử lý, đề nghị các cơ quan cơ thẩm quyền cưỡng chế đối với các cơ sở không chấp hành quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động. Đồng thời, từng bước di chuyển các cơ sở kinh doanh, sản xuất, kho hàng hóa dễ cháy, nổ, không đảm bảo các điều kiện về PCCC ra khỏi khu dân cư.


Hoàng Nam


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t