Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Đan Phượng: Quyết tâm cao về đích đúng lộ trình (19:55 26/03/2020)


HNP - Huyện Đan Phượng vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020. Đáng chú ý trong bức tranh NTM của Đan Phượng là sau khi về đích, nhiều địa phương trong huyện tiếp tục đặt ra mục tiêu “cán đích” xã NTM nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, huyện Đan Phượng đã đề ra rất nhiều giải pháp và tiếp tục phấn đấu nhiều hơn với quyết tâm cao để về đích theo lộ trình.

Nghề trồng hoa đang mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Đan Phượng


Những bước đi, cách làm chủ động, sáng tạo

Thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, năm 2016, huyện Ðan Phượng đã lựa chọn 3 xã (Ðan Phượng, Song Phượng và Liên Trung) để tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, để giúp các xã triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng NTM nâng cao, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các đoàn thể và các địa phương tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa. Cùng với đó, huyện đã tập trung thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án và tích cực huy động xã hội hóa để tạo nguồn lực tổng hợp xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Lũy kế, tổng nguồn kinh phí mà huyện đã huy động trong giai đoạn từ năm 2016-2020 đầu tư cho xây dựng NTM là hơn 386,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương hơn 129 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 9,75 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 16 tỷ đồng, nguồn vốn của doanh nghiệp hơn 132,7 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hơn 81 tỷ đồng.

Song song với định hướng các xã tiếp tục phát huy hiệu quả, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đạt được, huyện Đan Phượng cũng đã xác định các nhiệm vụ và khái quát thành khẩu hiệu “sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”, “tập trung về tuyên truyền và huy động nguồn lực, 4 trụ cột trong nông nghiệp, 5 điểm nhất về văn hóa - xã hội”… Cùng với đó, bám sát Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đan Phượng đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp…

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao với những bước đi, cánh làm chủ động, sáng tạo, đến nay, huyện Đan Phượng đã có 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, tại các xã này, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động cao; hầu hết các trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia; giá trị truyền thống ở làng quê được giữ gìn và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; môi trường nông thôn chuyển biến rõ nét; ý thức của người dân về vệ sinh, bảo vệ môi trường được nâng lên… Ở nhiều xã đã hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Nỗ lực để sớm về đích

Đánh giá quá trình thực hiện xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn, ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Huyện đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước; tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu, nêu gương có sức thuyết phục cao nhất. Tuyên truyền phải được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo hướng gọn, rõ, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao để từ đó khơi dậy tinh thần tự giác, huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và nhân dân… Huyện Đan Phượng cũng đã quan tâm đầu tư cho phát triển theo hướng tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chủ động tháo gỡ, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, nhất là trong vấn đề giải quyết lao động việc làm sau thu hồi đất, vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị hưởng thụ cho người dân như chất lượng giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn với điểm vui chơi, giải trí, vườn hoa tại các thôn, cụm dân cư, những tuyến đường trồng hoa, cây xanh, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch…

Một bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM cũng ghi đậm dấu ấn đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện, cán bộ từ huyện đến cơ sở luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tâm huyết, vì dân. Trong trường hợp cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, huyện kiên quyết thay thế để không làm ảnh hưởng đến phong trào xây dựng NTM…  

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ, nhiều vùng quê ở Đan Phượng đã thay đổi từng ngày, đời sống, vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Hiện, nông thôn của Đan Phượng đã khác với trước đây rất nhiều: hạ tầng kiên cố, khang trang, đời sống người dân ổn định, chế độ chính sách cho người dân cũng được quan tâm hơn... Theo kế hoạch, năm 2020, huyện Đan Phượng sẽ tập trung cao độ hoàn thành việc xây dựng NTM ở 6/15 xã còn lại. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM và NTM nâng cao. Sau khi đạt chuẩn, huyện Đan Phượng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu làm tiền đề xây dựng huyện Đan Phượng trở thành quận vào năm 2020.  


Nguyễn Tiến Việt


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t