Chợ hoa: Nét đẹp văn hóa Tết Hà Thành (11:11 22/01/2020)


HNP - Cuộc sống hiện đại với nhiều thú chơi mới, song, thú chơi hoa mỗi khi Tết đến Xuân về đã thành thói quen truyền thống của người dân Hà Thành. Và chợ hoa Hàng Lược trở thành điểm hẹn quen thuộc. Không chỉ đáp ứng nhu cầu mua hoa, thưởng hoa của người dân, giờ đây, chợ hoa còn thu hút đông đảo người dân, du khách đến chụp ảnh và tìm hiểu nhiều hơn về hoa cũng như chợ hoa ngày Tết.

Hoa đào luôn là sự lựa chọn ưu tiên trong ngày Tết


Chợ hoa Hàng Lược và những điểm nhấn đáng nhớ
 
Chợ hoa Hàng Lược họp trên phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm có cả một lịch sử khá lâu đời. Ban đầu, chợ hoa chỉ kéo dài từ đầu Hàng Lược, tiếp giáp với Hàng Cót cho đến phố Hàng Khoai. Khi ấy chợ bán chung cả đào và quất. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, đời sống người dân Thủ đô được cải thiện, nhu cầu tăng, kéo theo nguồn cung tăng theo, khiến chợ hoa ngày càng được mở rộng. Khoảng sau những năm 1990, chợ hoa Hàng Lược hầu như chỉ tập trung bán đào, còn tại vườn hoa Hàng Đậu gần đó đã hình thành một khu chợ dành riêng cho quất. Khoảng vài năm sau, thì chợ hoa Hàng Lược bắt đầu lan ra các khu vực xung quanh như Hàng Cót, Phùng Hưng và ngày nay kéo dài ra cả hết phố Hàng Rươi và một phần Hàng Khoai.
 
Quy mô lớn hơn nên các mặt hàng được bán trong chợ hoa Xuân cũng theo đó mà tăng lên theo thời cuộc. Nếu trong những năm mới ra đời, chợ hoa Hàng Lược chỉ chủ yếu bán đào và quất từ các làng Nghi Tàm và Nhật Tân chuyển về; cùng với đó là lác đác vài loại hoa Xuân khác. Thì sau đó dần xuất hiện thêm hoa mai vàng chuyển từ miền Nam ra, đào rừng từ Tây Bắc về, rồi thủy tiên, phong lan, tulip… và nhiều sản phẩm ăn theo ngày Tết như đồ trang trí, phong bao mừng tuổi hay hoa quả trang trí bày mâm cúng…
 
Nhiều loài hoa được bày bán tại chợ hoa Hàng Lược
 
Trước đây, Chợ hoa Hàng Lược thường chỉ họp tự phát theo thông lệ. Cứ khoảng 25 tháng Chạp hàng năm, các xe đạp chở đào, quất lác đác xuất hiện với mật độ tăng dần trong những ngày giáp Tết và tan chợ ngay trong sáng 30 Tết. Nhưng sau này, khi bắt đầu có quy hoạch, tổ chức thì chợ cứ họp ngày một sớm dần và kết thúc cũng muộn hơn, vào khoảng Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) cho tới tận chiều tối ngày 30 Tết…
 
Xuân về trên chợ hoa phố cổ
 
Dạo quanh chợ hoa phố cổ trong thời tiết se lạnh, mưa Xuân lất phất, chị Nguyễn Thanh Huyền, Đống Đa, háo hức tìm chọn cho mình một cành đào khá to. Chị cho biết: Đã thành thói quen, cứ đến cận Tết là gia đình chị lại cùng nhau lên chợ hoa này. Trước thì chỉ để chọn mua hoa còn những năm gần đây, đi chợ hoa còn là thú vui và cũng là để lưu lại những bức hình của cả gia đình. Đồng thời, đây cũng là dịp để chị kể cho con mình những ký ức về chợ hoa từ khi còn nhỏ của mình. Chị và gia đình cùng xem đây như một nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi độ Xuân về.
 
Theo một chủ quầy hàng bán đào tại chợ hoa Hàng Lược: Hiện, có nhiều chợ hoa được tổ chức vào dịp cuối năm nhưng chợ hoa Hàng Lược vẫn luôn là sự lựa chọn số 1 của nhiều người dân Hà Thành. Bởi, hoa tại chợ chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Tân và những làng hoa nổi tiếng của Hà Nội. Riêng về hoa đào, năm nay, những cành đào nhỏ có giá giao động khoảng 50.000 đến hơn 100.000 đồng/cành. Cành đào to hơn có giá giao động từ 300.000 đến 500.000 đồng. Mức giá này khá vừa phải cho người mua…
 
Các bạn trẻ tới chụp ảnh và thưởng hoa
 
Người đi chợ hoa Hàng Lược ngày nay không chỉ dừng chân ở những hàng hoa mà còn rảo bước đến các phố lân cận, đặc biệt là phố bích họa Phùng Hưng. Những cành hoa đào, chậu quất thấp thoáng bên các bức tường vẽ tranh 3D thực sự là điểm mới và thu hút đông đảo người dân từ người lớn tuổi đến người trẻ hay các em nhỏ. Say sưa chụp ảnh, nhiều đôi bạn trẻ không quên cầm trên tay nhành hoa đào hay tạo dáng bên những cây đào như để đánh dấu "Mùa Xuân đã về"…
 
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc kết hợp chợ hoa Tết truyền thống, với không gian bích họa phố Phùng Hưng đã tạo nên địa điểm văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng mới trong dịp Xuân. Đây cũng là tiền đề phát triển tuyến phố Phùng Hưng theo định hướng dịch vụ, thương mại, du lịch gắn kết với không gian phố cổ và chợ hoa Tết hằng năm trên địa bàn quận…
 
Nhìn lại sự phát triển của chợ hoa Hà Nội nói chung, chợ hoa Hàng Lược nói riêng cũng như nhìn thấy sự thay đổi của cuộc sống người dân Thủ đô theo dòng lịch sử. Bởi đơn giản, chơi hoa ngày Tết đã là một thói quen, nếp sống hàng nghìn đời của người dân Hà Nội và dù ở bất cứ thời điểm nào. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, họ - những người yêu hoa, yêu văn hóa Tết truyền thống có thể tìm thấy nhau giữa một chợ hoa đầy hương sắc.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t