Gia Lâm: Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể CT-XH trong giám sát các hoạt động tư pháp (14:31 14/12/2019)


HNP - Huyện Gia Lâm có tốc độ đô thị hoá nhanh, một số dự án lớn về phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung ương, Thành phố đã và đang được triển khai thực hiện. Do vậy, việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố, đổi mới hoạt động tư pháp, góp phần hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Trong 4 năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm xác định cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ; từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo yêu cầu, hiệu quả. Từ năm 2005 đến nay, Huyện ủy đã ban hành 04 Kế hoạch, 05 Chương trình, 05 Chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp. Đáng chú ý, thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp 1992, toàn huyện đã tổ chức 180 hội nghị với 20.522 lượt người tham dự, 850 ý kiến; Tổng số ý kiến đóng góp thông qua Phiếu: 32.622 ý kiến; Tổng số ý kiến đồng ý toàn văn Dự thảo: 31.691 ý kiến.

Hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng đảm bảo dân chủ, tôn trọng quyền công dân, quyền con người và đúng pháp luật. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được tăng cường, thực hiện nghiêm túc nội dung các quy chế phối hợp Liên ngành trên các lĩnh vực như: Quy chế trong tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; về giải quyết khiếu nại, tố cáo; về khởi tố điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự...Tiếp tục xác định công tác xét xử là khâu quan trọng nhất trong công tác cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân Huyện đã chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh, tạo điều kiện cho những ngưòi tham gia tố tụng được tranh tụng tại phiên tòa.

Huyện ủy, UBND Huyện đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hỗ trợ tư pháp, bổ trợ tư pháp. Hoạt động trợ giúp pháp lý được triển khai toàn diện, hướng về cơ sở, quan tâm đến những đối tượng đặc thù như người nghèo, diện gia đình chính sách, người khuyết tật, tập trung trên các lĩnh vực như hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính. Công an huyện Gia Lâm niêm yết bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở (nhà tạm giữ và cổng thường trực tiếp dân) để các đối tượng bị giam giữ và người dân nắm được; duy trì hiệu quả của hộp tin trợ giúp pháp lý tại cổng trụ sở Công an Huyện. Cơ quan điều tra Công an huyện đã thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng. Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi đương sự được thực hiện đúng quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho luật sư, người bào chữa tham gia một cách thuận lợi. Đồng thời, tích cực chỉ đạo triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chế định Thừa phát lại; sau 03 năm thực hiện đã cho thấy tính tích cực của hoạt động bổ trợ tư pháp này.

Song song với đó, huyện tiếp tục hoàn thiện cơ chế giảm sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp. Theo đó, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện tại các kỳ họp; tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được, yêu cầu giải trình những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động. Tăng cường và nâng cao hiệu lực giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, trọng tâm là việc bắt, giam giữ, truy tố và công tác xét xử.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Huyện bên cạnh việc phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đã phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong việc giám sát việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp theo quy định; kịp thời phản ánh những vấn đề phát sinh để cấp ủy, chính quyền, chỉ đạo và giải quyết, ủy ban MTTQ Huyện thành lập 11 đoàn giám sát, chủ trì 97 cuộc giám sát đối với 97 lượt xã, thị trấn; trong đó, có giám sát về nội dung cải cách tư pháp; thực hiện Pháp lệnh 34PL/ƯBTVQH11 ngày 20/4/2007 của UBTVQH về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân Huyện tiến hành 59 cuộc kiêm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật trong tạm giữ, tạm giam; kiểm tra việc chấp hành luật thi hành án hình sự tại 48 lượt xã, thị trấn. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; kiến nghị liên quan đến quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam; người chấp hành án hình sự và chế độ đối với cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ.

Để tiếp tục thiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW, huyện Gia Lâm sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tư pháp trong tình hình mới; đảm bảo các cơ quan tư pháp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ CB, CC trong các cơ quan tư pháp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập vả làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Ngoài ra, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng, để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; Thường xuyên rà soát các hồ sơ thi hành án dân sự có điều kiện thi hành, các hồ sơ còn tồn đọng kéo dài để thi hành dứt điểm, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Huyện cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; rà soát, kiểm tra các VBQPPL, đảm bảo đúng thẩm quyền, nội dung và trình tự ban hành theo quy định, có tính thực tiễn áp dụng cao, hạn chế khiếu kiện hành chính.

Tiếp tục làm tốt công tác dân vận chính quyền, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Tăng cường công tác giám sát của HĐND đối với các cơ quan tư pháp Huyện. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị và toàn xã hội tham gia giám sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t