Mê Linh: Tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội (20:03 13/11/2019)


HNP - Giai đoạn 2016-2020, kinh tế xã hội huyện Mê Linh duy trì ổn định và phát triển, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn theo giá cố định đạt 24.343 tỷ đồng/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 7,9%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Trong giai đoạn 2016-2020, công nghiệp của huyện Mê Linh phát triển với tốc độ cao, có vai trò lớn và chiếm tỷ trọng chủ yếu, có tác động chính thúc đẩy kinh tế của huyện. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân đạt 21.640 tỷ đồng, tăng 6.738 tỷ đồng so với giai đoạn 2010-2015. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm đạt 8,4%, vượt kế hoạch đề ra.

Huyện Mê Linh có 2 khu công nghiệp, Quang Minh I và Quang Minh II, trong đó, KCN Quang Minh I với diện tích 407ha và tỷ lệ lấp đầy trên 95%. Hiện có 168 doanh nghiệp đi vào sản xuất kinh doanh hiệu quả (khoảng 400 tỷ đồng/năm), giải quyết việc làm cho người lao động, thu hút hơn 30 nghìn lao động trong và ngoài địa phương. KCN Quang Minh II (200ha) đang chờ điều chỉnh quy hoạch của Thành phố.

Giá trị các ngành dịch vụ bình quân đạt 1.085 tỷ đồng, tăng 408 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015; tốc độ tăng bình quân hàng năm 8,7%. Một số ngành dịch vụ chất lượng cao được duy trì và phát triển mạnh như: Ngân hàng, dịch vụ vận tải, viễn thông, bảo hiểm… đã cơ bản đáp ứng phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, mấy năm gần đây, lĩnh vực ngân hàng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, đã có 5 ngân hàng với 12 cơ sở phòng giao dịch và 3 tổ chức tín dụng mở trên địa bàn huyện.

Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Trên địa bàn huyện có 8 chợ, 4 siêu thị, nhiều cửa hàng tiện lợi và 22 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, sản phẩm Hoa của Mê Linh đã được cấp bằng nhãn hiệu “Tập thể hoa Mê Linh”. Hàng năm, huyện tổ chức Hội chợ hoa Mê Linh, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm hoa của địa phương.

Tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện duy trì tăng trưởng ổn định. Nhiều hộ chăn nuôi tăng quy mô lớn hơn, đã hình thành khoảng 250 trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; một số trang trại, gia trại đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 303ha so với năm 2015. Bước đầu, hình thành một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô từ 50ha tại các xã: Tam Đồng, Hoàng Kim, Chu Phan. Đồng thời, đã hình thành những cánh đồng chuyên canh lớn và nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn hơn, nhưng chưa đạt tới quy mô trang trại. Hiện, vùng sản xuất rau ở Tráng Việt, Tiền Phong, Văn Khê, Đại Thịnh, Tiến Thắng chiếm 85% tổng diện tích rau toàn huyện, góp phần đưa Mê Linh là nơi có tổng diện tích gieo trồng và sản lượng rau lớn nhất Thành phố. Diện tích trồng hoa các loại tăng 447ha tại một số vùng chuyên canh như: Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Văn Khê… Một số hộ gia đình xã đã phát triển diện tích trồng hoa ra các địa phương khác tại huyện Đông Anh, Sapa, Sơn La… Dọc vùng đất bãi từ Tráng Việt đến Tiến Thịnh đã có tới 400ha trồng tập trung các loại cây ăn quả lâu năm như bưởi, chuối, xoài… Nhiều hộ sản xuất và buôn bán có quy mô lớn, liên kết với các đầu mối trong và ngoài Hà Nội để tiêu thụ nông sản. Đáng chú ý, huyện đã xây dựng thành công 5 chuỗi sản xuất nông sản theo quy trình VietGap, áp dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ năm 2016-2020 ước thực hiện 2.769.155 triệu đồng, đạt 102% kế hoạch HĐND huyên giao, tăng bình quận 6,8% so với kế hoạch Thành phố giao hàng năm. Tổng thu ngân sách huyện và xã, thị trấn, đến hết năm 2020, ước thực hiện 6.821.627 triệu đồng, đạt 119% kế hoạch TP giao và 102% kế hoạch HĐND huyện giao.

Đến nay, huyện Mê Linh đã hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn 16 xã. Một số tiêu chí xây dựng NTM đạt kết quả cao như: 100% các xã đã có điểm bưu điện phục vụ sinh hoạt văn hóa của nhân dân; 100% số thôn trong xã có internet; Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,0%; 100% các trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn.

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường. Đến nay, huyện đã cấp GCN QSDĐ cho 38.931/48.497 thửa, đạt tỷ lệ 80,3%... Số thửa chưa được cấp GCN QSDĐ đã được cấp 100% Giấy xác nhận đăng ký đất đai. Cùng với đó, huyện đã triển khai dồn ghép ruộng đất tại 11 xã với tổng số 16.730 hộ gia đình. Đã cấp được 16.161/16.730 GCN QSDĐ nông nghiệp sau dồn ghép, đạt 97%.

Cùng với đó, sự nghiệp phát triển văn hóa, xã hội có bước phát triển. Đến nay, toàn huyện đã được công nhận 90% gia đình văn hóa, đạt kế hoạch đề ra (90%); 17/19 tổ dân phố văn hóa, đạt 90%, đạt kế hoạch đề ra; 100% xã, thị trấn đã xây dựng nhà văn hóa; các thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng rãi. Hàng năm, tổ chức 20-22 giải thi đấu thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hệ thống giáo dục và đào tạo của huyện được quan tâm đầu tư và duy trì hoạt động ổn định. Đến hết năm 2020, huyện phấn đấu đạt 54/71 trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 70%, tăng 21,4% so với đầu nhiệm kỳ (48,6%).

Huyện cũng thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách với gần 1.000 người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ xã hội. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27-7-2019), huyện đã tu sửa, chỉnh trang 100% các công trình ghi công liệt sỹ; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 563 nhà ở cho người có công, gia đình chính sách với tổng số 31,9 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã mở 128 lớp đào tạo nghề cho 4.480 lao động nông thôn với tổng kinh phí khoảng 12,1 tỷ đồng. Kết quả có trên 85% lao động có việc làm sau học nghề; đã tuyển dụng 1.600 lao động qua các phiên giao dịch việc làm. Mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 2.300 lao động, đạt và vượt kế hoạch Thành phố giao.

Công tác giảm nghèo được triển khai tích cực. Năm 2018, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 201 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 7,1 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,56% so với đầu năm 2016. Mê Linh phấn đấu đến cuối năm 2019, toàn huyện không còn hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra.

Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2016-2020, huyện Mê Linh sẽ tập trung xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy nhanh công tác phát triển quỹ đất và tiến độ đấu giá QSD đất để tạo nguồn thu, nguồn lực ngân sách thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn tiếp theo. Song song với đó, tập trung hoàn thành công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch như phân khu đô thị; chuyên ngành, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, sử dụng đất, phát triển khu dân cư của huyện và các xã để làm cơ sở tổ chức phát triển KT-XH theo các định hướng mới. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm theo quy hoạch hình thành hệ thống hạ tầng khung hiện đại về đô thị, văn hóa-xã hội, kinh tế, tạo tiền đề cho phát triển. Quan tâm đầu tư nâng cấp căn bản hệ thống hạ tầng khu vực nông thôn.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t