Nam Từ Liêm đôn đốc các biện pháp phòng chống dịch Sốt xuất huyết (22:35 31/10/2019)


HNP - Ngày 31/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm tổ chức họp khẩn để đôn đốc các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Sốt xuất huyết. 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận, dịch Sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục có xu hướng bùng phát mạnh trên địa bàn. Hiện nay, quận Nam Từ Liêm vẫn nằm trong nhóm các quận huyện có nhiều ca mắc bệnh SXH mới của Thành phố. Một số điểm có các ổ dịch như: TDP số 2, 6 Phú Đô, TDP 17 phường Trung Văn, TDP 5 - Mễ Trì Thượng, TDP 1 Mỹ Đình 2.
 
Để phòng chống dịch, toàn quận đã phát trên 5.200 tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai phát phiếu điều tra bọ gậy tại hộ gia đình cho học sinh 2 đợt với trên 32.000 phiếu. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phun xử lý muỗi, bọ gậy ở các khu vực ổ dịch và các khu vực xung quanh, tỷ lệ phun trung bình đạt 65-70%.
 
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận và chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch như: Tuyên truyền trên hệ thống phát thanh phường giảm so với đầu kỳ dịch; hoạt động của cộng tác viên chưa thực sự hiệu quả, việc xử lý bọ gậy tại các ổ dịch chủ yếu là đội xung kích của quận và cán bộ y tế; tỷ lệ phun thuốc tại các ổ dịch chưa cao; hóa chất diệt bọ gậy đã hết, hiện đang chờ Thành phố cấp.
 
Lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm nhận định tình hình dịch bệnh dịp cuối năm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch vẫn cao, do đó, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận và các phường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch tại cơ sở. Triển khai đồng bộ các biện pháp diệt muỗi và bọ gậy. Tăng cường tỷ lệ phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên phòng, chống dịch tại cộng đồng, duy trì lịch kiểm tra diệt bọ gậy tại ổ dịch 2 lần/tuần.
 
* Cùng ngày, UBND quận Nam Từ Liêm phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình tập huấn thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa cho các cán bộ, lãnh đạo, giáo viên các trường Mầm non, Tiểu học trên địa bàn quận.
 
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến nay, đã có khoảng hơn 90% học sinh các trường mầm non, tiểu học công lập tham gia chương trình Sữa học đường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, một lượng lớn vỏ hộp sữa được thải ra môi trường. Để không bị lãng phí tài nguyên và cũng đảm bảo vệ sinh môi trường, cùng đồng hành với chương trình Sữa học đường, UBND quận phối hợp Sở TN&MT tổ chức tập huấn thực hiện phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa đã qua sử dụng tại các trường học trên địa bàn. Thực hiện nội dung trên, UBND quận triển khai chương trình thu gom, tái chế vỏ hộp sữa tại 13 trường Mầm non và 20 trường Tiểu học trên địa bàn quận. Dự kiến, mỗi tháng sẽ thu gom, tái chế hơn 700.000 vỏ hộp sữa.
 
Theo đó, các em học sinh sẽ được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa: Làm dẹp, cho ống hút vào trong hộp sau khi uống hết sữa, gập nhỏ hộp lại và xếp vào đúng nơi quy định, giúp tiết kiệm diện tích cũng như dễ dàng hơn cho việc thu gom. Vỏ hộp sau đó sẽ được thu gom định kỳ hàng tuần, chuyển về nhà máy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích. Vỏ hộp sữa giấy có cấu tạo rất đặc biệt, bên trong hộp là một lớp tráng nhôm và nhựa rất mỏng, có thể tái chế thành tấm lợp sinh thái rất hữu ích; còn phần vỏ bằng giấy có thể nghiền nát thành bột giấy và tái chế để sản xuất giấy in, bìa carton, thùng giấy, tập vở…
 
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa của việc tái chế vỏ hộp sữa, bảo vệ môi trường. Thông qua đó, không chỉ giáo viên, phụ huynh mà trẻ em và cộng đồng cùng hình thành thói quen tốt từ những việc gần gũi và thiết thực hàng ngày, góp phần bảo vệ môi trường.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t