Huyện Gia Lâm chú trọng đào tạo nhân lực có tay nghề cao (09:38 16/10/2019)


HNP - Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Gia Lâm đã phối hợp tốt với doanh nghiệp trong công tác giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn tăng lên góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động - việc làm.

Trrong những năm qua, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm, phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của các hội, đoàn thể để giới thiệu việc làm cho người lao động. Kết quả, trong 05 năm qua, đã có gần 5.000 lượt người lao động tham dự, 1.198 người được tuyển đụng trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm; đã giới thiệu được việc làm cho hàng ngàn cán bộ, hội viên và nhân dân.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của huyện đã chủ động phối hợp với các trường nghề thực hiện lựa chọn, áp dụng những chương trình đào tạo nghề mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; thường xuyên thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy và học, nội dung đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, tăng thời lượng dành cho thực hành, liên kết với doanh nghiệp để học viên thực hành sản xuất ngay tại nhà máy, trên các dây chuyền sản xuất để nâng cao kỹ năng cho người học, đáp ứng yêu cầu của công việc. Việc thực hiện các phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá theo phương pháp truyền thống, cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện thực hiện việc mời doanh nghiệp tham gia vào một số khâu trong quá trình đánh giá kết quả học tập, trực tiếp hướng dẫn và đánh giá kết quả thực tập của người học.

Nhờ đó, 100% số học viên học các lớp trung cấp nghề, sơ cấp nghề tại Trung tâm GDNN&GDTX của huyện ra trường đều có việc việc làm với thu nhập ổn định và cao hơn lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Các học viên lớp cao đẳng nghề được doanh nghiệp đặt hàng đầu ra, trả lương ngay trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc cử các cán bộ của huyện và cơ sở tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, phòng chống dịch bệnh, quản lý đất đai...

Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao tiếp tục được quan tâm đầu tư, tập trung vào thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đồng thời, đổi mới chương trình, nội dung phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội; đề cao trách nhiệm của gia đình và xã hội.

Đáng chú ý, huyện Gia Lâm rất chú trọng công tác tôn vinh, khen thưởng các nghệ nhân ở các làng nghề. Nhằm phát huy thế mạnh của các Hội nghề nghiệp, quan tâm công tác bảo tồn, phát triển làng nghề, quảng bá thương hiệu các làng nghề truyền thống, 5 năm qua, huyện đã triển khai 10 lớp truyền nghề tại xã Kim Lan, Kiêu Kỵ và 08 dự án hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan, chế biến tinh bột nghệ xã Dương Xá và sàn xuất bún bánh tại xã Yên Viên. Công tác tôn vinh nghệ nhân và người lao động có tay nghề cao luôn được chú trọng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của Huyện và cơ sở thường xuyên được quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức được 181 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 29.362 lượt học viên, phối hợp với trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong mở 02 lớp Trung cấp Lý luận chính trị cho 230 học viên, cử 14 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị, 18 đồng chí đi đào tạo Đại học, sau Đại học. Đến nay, số cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã có trình độ chuyên môn Đại học trở lên đạt 99,1%. Huyện đã hỗ trợ, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận bằng nguồn kinh phí địa phương cho 46 CB, CC, VC Huyện ủy, UBND Huyện, với tổng số kinh phí gần 188 triệu đồng; Tập trung triển khai Kế hoạch số 13/KH-UBND về đào tạo nghề ngắn hạn và giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, đã mở 56 lớp dạy ngắn hạn cho lao động nông thôn, trong đó có 23 lớp nông nghiệp, 33 lớp phi nông nghiệp; đào tạo nghề cho 1.505 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho 10.158 người.

Huyện chỉ đạo Trung tâm GDNN&GDTX, các ngành chức năng tăng cường các hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ khu vực ngoài Nhà nước để tham gia đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm GDNN&GDTX đã phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp có uy tín mở lớp đào tạo cho 665 học viên. Năm 2018, Trung tâm GDNN&GDTX phối hợp với công ty LaDoDa (xã Kiêu Kỵ) tổ chức 02 lớp dạy nghề may công nghiệp cho công nhân tại Công ty.

Thời gian tới, huyện Gia Lâm xác định đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao là một trong những giải pháp phát triển kinh tế xã hội của huyện. Chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá việc thực hiện tiêu chí về đào tạo nghề, tạo việc làm mới tại địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, định hướng chuyền đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn, gắn với thực hiện tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đơn vị.

Đồng thời thực hiện tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học giáo dục nghề nghiệp. Từng bước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với Trung tâm GDNN&GDTX của huyện; khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo nghề; tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho công tác đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên và nhân dân gắn với đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, từng bước đáp ứng nhu cầu trên địa bàn huyện.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t