Huyện Đan Phượng: Bảo đảm 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP (14:38 18/09/2019)


HNP - Đây là mục tiêu trong Kế hoạch số 162/KH-UBND của UBND huyện Đan Phượng vừa ban hành, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện đến năm 2020.

Theo đó, cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực, huyện Đan Phượng tập trung phát triển nâng cấp sản phẩm và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, huyện định hướng, khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP, phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có đảm bảo mục tiêu đề ra, trước mắt, tập trung chỉ đạo đối với một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của huyện thuộc nhóm sản phẩm (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn).

Cùng với đó, huyện Đan Phượng tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia chương trình OCOP theo chính sách của thành phố về: Đầu tư máy móc trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu, bao gói sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; thuê chuyên gia tư vấn nâng cấp sản phẩm OCOP đạt cấp quốc gia, quốc tế; chi phí phân tích nhóm sản phẩm (thực phẩm, đồ uống, thảo dược) để đánh giá, xếp hạng cấp thành phố.

Huyện Đan Phượng cũng tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm hộ, hợp tác xã nâng cấp, hoàn thiện cơ sở sản xuất, hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh theo hướng gia tăng thành viên, cổ đông, mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh, đảm bảo đủ các điều kiện để chuyển đổi loại hình hoạt động thành hợp tác xã kiểu mới hoặc doanh nghiệp. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia chương trình OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.

Trên cơ sở Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm được trung ương ban hành và sự chỉ đạo của thành phố, huyện Đan Phượng tiến hành tổ chức thực hiện triển khai đánh giá và xếp hạng sản phẩm đảm bảo đồng bộ, đúng quy định về quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm trong chương trình OCOP. Tổ chức đánh giá và xếp hạng các sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP theo 3 cấp (cấp huyện, cấp thành phố và cấp trung ương). Năm 2019, thí điểm đánh giá và xếp hạng cho khoảng 30 sản phẩm.

Hội đồng thẩm định, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP huyện sẽ trình UBND huyện ban hành quyết định cấp giấy công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện và lựa chọn sản phẩm tiêu biểu trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng đối với các sản phẩm đạt cấp thành phố (sản phẩm đạt 3-4 sao) và quốc gia (sản phẩm đạt 5 sao).

Huyện Đan Phượng đặt mục tiêu, đến năm 2020: Phấn đấu 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP huyện và các xã, thị trấn được đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành triển khai trực tiếp Chương trình OCOP; 100% các nhà quản lý của tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t