Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (20:39 22/09/2019)


HNP - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có những chuyển biến tích cực. 100% các HTX nông nghiệp trên địa bàn có cơ cấu tổ chức theo Luật HTX năm 2012. Một số HTX đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư máy móc công cụ, sở hữu tài sản lớn. Một số HTX Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ổn định, phát huy được thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển làng nghề truyền thống và phục vụ du lịch.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 59 HTX đang hoạt động, trong đó, 35 HTX nông nghiệp, 06 HTX Thương mại; 17 HTX Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và 01 HTX vận tải. Tổng doanh thu của các HTX là 60 tỷ đồng (gấp 60 lần so với thời điểm 31/12/2003), trong đó, HTX Ninh Hiệp có doanh thu từ dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trên 10 tỷ đồng. Tổng số lãi bình quân của các HTX khoảng 50 - 300 triệu đồng/năm đối với các HTX nông nghiệp quy mô xã. Theo xếp loại, hiện nay, có 22 HTX hoạt động tốt, 9 HTX hoạt động khá, 2 HTX hoạt động trung bình.

Năm 2018, có 2 HTX nông nghiệp chuyên ngành được thành lập mới, có 3 HTX nông nghiệp chuyên ngành tạm ngừng hoạt động; 01 HTX nông nghiệp đã giải thể. Phần lớn các HTX kinh doanh các dịch vụ phục vụ nông nghiệp là chủ yếu như: Dịch vụ thủy lợi nội đồng, dịch vụ bảo vệ đồng ruộng, dịch vụ bảo vệ thực vật, dich vụ khuyến nông, dịch vụ giống, dịch vụ vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên còn một số có dịch vụ khác như: HTX NN Ninh Hiệp có dịch vụ quản lý điện sinh hoạt, quản lý chợ; HTX NN Đa Tốn, Đông Dư ngoài dịch vụ truyền thống còn có dịch vụ quản lý chợ nông thôn; HTX nông nghiệp Đông Dư, Đặng Xá, Văn Đức có dịch vụ bao tiêu một phần sản phẩm cho thành viên.

Tổng số vốn điều lệ hiện nay của các đơn vị là 66.077 triệu đồng (gấp 10 lần so với thời điểm 31/12/2003), bình quân trên 2.002 triệu/HTX. Vốn góp chủ yếu là 100.000 đồng/thành viên; các HTX chuyên ngành quy mô vừa và nhỏ có mức góp vốn cao nhất là 500 - 600 triệu đồng/thành viên. Tổng tài sản, vốn quỹ của các HTX nông nghiệp theo báo cáo là 58.128 triệu đồng; bình quân 1.761 triệu đồng/HTX. Tổng tài sản của các HTX là 97.208 triệu đông; bình quân 2.946 triệu đồng/HTX. Một số HTX được hỗ trợ đầu tư máy móc công cụ nên mức sở hữu tài sản lớn; như HTX Đa Tốn có 10 dàn kéo xạ, 2 máy cày và 2 máy gặt đập liên hoàn; HTX Yên Thường 2 máy cày...

Các HTX nông nghiệp đã tăng cường liên kết, tiêu thụ sản phẩm với 24 HTX liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; 20 HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ cao;22 HTX nông nghiệp liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp có chứng nhận sản xuất an toàn theo quy định.

Năm 2018, Huyện Gia Lâm đã triển khai các mô hình sản xuất lúa chất lượng quy mô tập trung trên địa bàn 15 xã, thị trấn với diện tích 1.425ha, kinh phí hỗ trợ 2.171 tỷ đồng; hỗ trợ mô hình SRI trên giống Nếp cái hoa vàng tại xã Dương Xá với quy mô diện tích hơn 70ha... Tổ chức 17 lớp tập huấn về IPM tại các xã vùng rau, quả tập trung. Đã cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau, quả đủ điều kiện ATTP cho 1205,8ha vùng rau, quả an toàn, đạt 98,1% kế hoạch.

Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 110 tổ nhóm sản xuất PGS với 1.403 thành viên (mỗi nhóm 15-20 người) tại các vùng rau, quả chuyên canh; các tổ nhóm thực hiện việc ghi chép nhật ký về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tổ chức giám sát chéo các thành viên trong tổ nhóm; giám sát giữa các nhóm góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP, minh bạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ kinh phí cho 4 HTX nông nghiệp Kim Sơn (chuối), Đa Tốn (bưởi), Yên Viên (rau cải xanh) và Dương Xá (nếp cái hoa vàng) hoàn thiện hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 24 HTX phi nông nghiệp. Tổng số thành viên các HTX Thương mại, Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và vận tải là 468 người, đều là cá nhân; bình quân 17 thành viên/HTX, bình quân thu nhập đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng. Tổng số vốn điều lệ của các HTX là 123.228 triệu đồng (trong đó một số HTX có vốn điều lệ lớn: HTX TM Việt Phương: 50 tỷ đồng, HTX DVTH Vạn Lợi: 21,86 tỷ đồng...), bình quân 4,4 tỷ đồng/HTX. Tổng tài sản các HTX là 214.075 triệu đồng, bình quân 8.563 triệu đồng/HTX; tổng vốn, quỹ các đơn vị 149.783 triệu đồng, bình quân 5.991,3 triệu đồng/HTX.

Hoạt động của các HTX thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và vận tải rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực; phát huy thế mạnh về sản xuất, kinh doanh của địa phương. Theo báo cáo của các HTX, tổng doanh thu năm 2018 của các HTX đạt 181.460,57 triệu đồng, bình quân 9.170 triệu đồng/HTX; tổng lợi nhuận đạt 5.955,69 triệu đồng, bình quân trên 250 triệu đồng/HTX.

Tuy nhiên, hiên nay, hoạt động của các HTX  còn hạn chế, do các HTX nông nghiệp quy mô toàn xã hoạt động mang tính chất phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính, chưa mở rộng kinh doanh tổng hợp các dịch vụ phi nông nghiệp nên lợi nhuận rất thấp. Trong khi đó, các HTX công nghiệp, thương mại, dịch vụ vẫn còn tồn tại một số yếu kém: Chưa thu hút được nhiều xã viên tham gia, thu nhập của xã viên HTX còn thấp; kết quả hoạt động sản xuất chưa cao; hoạt động của các HTX phần lớn vẫn mang tính cục bộ địa phương, sự hợp tác, liên doanh, liên kết giữa HTX với các đơn vị, doanh nghiệp khác chưa được đẩy mạnh; đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX có trình độ còn thấp, ít được trẻ hóa.

Do đó, để khắc phục những hạn chế và phát huy vai trò, hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chính sách liên quan; nâng cao nhận thức của cán bộ cơ sở và các HTX về vai trò của chính sách phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX thuê, mượn địa điểm để làm mặt bằng sản xuất kinh doanh; đối với các HTX dịch vụ nông nghiệp yêu cầu UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện cho các HTX sử dụng những địa điểm thuận lợi về vị trí để mở rộng ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ cung ứng đầu vào, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tăng cường liên doanh, liên kết các HTX trên cơ sở củng cố các câu lạc bộ chủ nhiệm HTX. Khuyến khích các HTX tiếp tục tham gia Liên minh HTX Thành phố, tăng cường liên kết với các thành phần kinh tế khác, tạo điều kiện cung cấp nguồn đầu vào cho các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, liên kết hợp tác sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp trang trại; phấn đấu hàng năm thành lập mới từ 3 - 5 HTX sản xuất chuyên ngành. Khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mới các loại hình kinh tế HTX nhằm phát huy khả năng của cộng đồng dân cư đối với các hoạt động kinh tế trên địa bàn.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t