Giải “bài toán” tiêu thụ nông sản ở Hoài Đức (14:18 09/04/2019)


HNP - Hiện nay, khó khăn lớn nhất của nông dân vẫn là đầu ra cho nông sản. Tình trạng “được mùa, mất giá” hay bị thương lái ép giá ngay cả khi mất mùa vẫn là một nỗi lo đối với nông dân. Để hóa giải “bài toán” hóc búa này, huyện Hoài Đức đã có những cách làm bài bản, căn cơ.

Sản phẩm nông nghiệp đa dạng

Mặc dù có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng huyện Hoài Đức vẫn đặc biệt coi trọng phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao bung ra như: Vùng trồng nhãn muộn tại các xã An Thượng, Đông La và Song Phương; bưởi đường tập trung tại xã Cát Quế và Đông La; cam Canh, Phật thủ ở xã Đắc Sở, Yên Sở và Tiền Yên. Với lợi thế ven đô, người dân huyện Hoài Đức cũng đã mạnh dạn chuyển sang các mô hình trồng hoa cảnh, cây cảnh tập trung tại các xã An Thượng, Đông La, Đức Thượng, Yên Sở... Để nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, huyện Hoài Đức đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản; mở lớp tập huấn kỹ thuật quả an toàn, IPM trên cây ăn quả cho các hộ sản xuất...

Ông Nguyễn Khắc Đạo, thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) cho hay: “Gốc của nông nghiệp là sản xuất, nếu sản xuất không tốt, thì không thể nâng cao đời sống nhân dân”. Thực tế, tại Hoài Đức, nếu địa phương nào có mô hình sản xuất tốt, gắn với chế biến, tiêu thụ thì sẽ thu được hiệu quả cao. Vì vậy, trong xây dựng nông thôn mới, huyện Hoài Đức luôn quan tâm đến tiêu chí sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng giá trị trên đơn vị canh tác. Đến nay, toàn huyện đã triển khai được hằng trăm héc ta trồng rau, hoa, cây ăn quả ở các xã Song Phương, Đông La, Tiền Yên, Vân Côn, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha canh tác như mô hình trồng nhãn chín muộn 97ha, rau an toàn 71ha, cây Phật thủ 95ha, bưởi đường Quế Dương và La Tinh 40ha,... Trong đó, 2 sản phẩm nhãn chín muộn và bưởi đường Quế Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể; 20ha bưởi Quế Dương, 20ha nhãn chín muộn đã được cấp chứng nhận VietGAP.

Để tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng nhanh khoa học kỹ thuật trong sản xuất, huyện Hoài Đức cũng đã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật quả an toàn, IPM, hỗ trợ vật tư, trồng mới, ghép cải tạo giống,... giúp nông dân tổ chức tham dự, tham quan hàng chục hội chợ trong cả nước để giới thiệu quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm nông sản của huyện được tiêu thụ rộng khắp cả nước, góp phần đáng kể phát triển kinh tế, xã hội của huyện huyện, làm giàu cho các hộ dân.

Đặt chất lượng lên hàng đầu

Dù công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Hoài Đức đạt hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản vào một số thời điểm vẫn gặp khó khăn. Đơn cử như sản phẩm rau an toàn của huyện rất khó cạnh tranh với trồng rau xanh truyền thống, bởi giá rau an toàn chưa có sự chênh lệch rõ với các sản phẩm rau bình thường khác nên chưa khuyến khích được người dân đầu tư vào sản xuất, làm ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận nông hộ trên địa bàn huyện không đồng đều, do vậy việc áp dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế. Huyện Hoài Đức vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, huyện Hoài Đức đã có nhiều vùng nông sản chất lượng cao với những đặc sản tiêu biểu của Hà Nội dù diện tích đất nông nghiệp đang giảm dần. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, huyện rất chú trọng ứng dụng công nghiệp cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất có sự liên kết để làm tăng giá trị các loại cây trồng. Thời gian qua, huyện Hoài Đức đã triển khai rất nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực trong công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản cho nông dân, tuy nhiên việc này vẫn cần được đẩy mạnh để giải quyết tốt hơn nữa đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức chia sẻ, không riêng huyện Hoài Đức, một khi nông sản của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia vào thị trường rộng lớn là phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, như vậy phải phát triển hệ thống nông nghiệp đồng bộ. Theo đó, huyện Hoài Đức xác định, trong sản xuất nông nghiệp phải đặt chất lượng nông sản lên hàng đầu thì mới cạnh tranh được. Cùng với đó, huyện Hoài Đức tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong xây dựng các vùng nông sản chất lượng tốt theo hướng đặc sản, giá trị cao; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Theo ông Nguyễn Quang Đức, nông dân huyện Hoài Đức cũng năng động và nhanh nhạy trong tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, Hoài Đức là một trong số ít các huyện của thành phố Hà Nội có chính sách khuyến khích, tập hợp nông dân giỏi để thành lập các hiệp hội ngành nghề trong nông nghiệp, như: Hội nhãn chín muộn Hoài Đức, Hội bưởi đường Quế Dương… Đây là những diễn đàn kết nối nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản... Với nông sản thế mạnh, huyện chú trọng chỉ đạo và hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu rau an toàn, phát triển nhãn hiệu tập thể, như: Nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi đường Quế Dương, cam đường Canh, bưởi ngọt Đông La,... từ đó, tăng giá trị và tạo hiệu ứng tích cực trong tiêu dùng.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t