Hai Bà Trưng hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh (15:50 14/09/2018)


HNP - Sau 2 năm triển khai Kế hoạch số 43/KH-UBND, ngày 18/02/2016, của UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đến nay, phong trào văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn quận Hai Bà Trưng phát triển rộng khắp; đời sống văn hóa của người dân được nâng cao, nếp sống thanh lịch, văn minh được duy trì và phát triển.

Trong 2 năm qua, UBND quận thường xuyên chú trọng các hoạt động chăm lo xây dựng con người quận Hai Bà Trưng thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, thông qua các hoạt động như nói chuyện truyền thống, hội thi tìm hiểu, hoạt động văn hóa văn nghệ... Đồng thời, tập trung nguồn lực tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có quy mô, chất lượng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của nhân dân trong quận. Quận Hai Bà Trưng có tổng số 217 địa bàn dân cư, 761 tổ dân phố, tính đến đầu năm 2018, đã có 111 nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ) đang quản lý, sử dụng và 54 địa điểm mượn để sử dụng sinh hoạt. Quận cũng đã triển khai lắp đặt 185 bộ dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời ở 14 phường phục vụ nhân dân. Các hoạt động thể thao được quan tâm tổ chức từ quận tới cơ sở, tạo phong trào tập luyện thể thao rộng rãi trong cán bộ và nhân dân trong quận.

Cùng với đó, phong trào xây dựng tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa tiếp tục được duy trì góp phần tạo những chuyển biến tích cực. Hàng năm, tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt từ 81% đến trên 88%, Tổ dân phố văn hóa đạt 70-75%, Đơn vị văn hóa đạt 65% đảm bảo chỉ tiêu Thành phố giao. Đặc biệt, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã thu được kết quả đáng khích lệ. Văn hóa ứng xử của người dân chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành vi, nhiều nếp sống văn hóa tốt đẹp đã dần được khôi phục và trở thành thói quen giao tiếp hàng ngày. Trên địa bàn quận, nhiều năm qua, không có các vụ bạo hành gia đình, tỷ lệ các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình và giữa bà con khu phố đã giảm đáng kể.

Thực hiện Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng: 100% các cơ quan và UBND 20 phường niêm yết Quy tắc ứng xử tại nơi công cộng trên địa bàn. Qua thực hiện, đã góp phần tăng cường việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của CB, CC. UBND quận tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đóng góp vào sự phát triển chung của quận. Từ năm 2016, UBND quận tổ chức 06 buổi gặp mặt doanh nghiệp, với sự tham gia của trên 2.000 lượt chủ doanh nghiệp

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng nghệ thuật, thu hút sự chú ý đón xem của đông đảo nhân dân. Từ năm 2016, quận đã tổ chức 03 Liên hoan ca múa nhạc “Đảng - Mùa xuân - Dân tộc”, “Uống nước nhớ nguồn”, 27 buổi biểu diễn nghệ thuật ngoài trời chào mừng, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng với sự tham gia hơn 4.000 lượt diễn viên không chuyên, phục vụ hàng nghìn lượt khán giả. Tại cơ sở, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được phát triển mạnh mẽ ngay tại địa bàn dân cư, tổ dân phố đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đến nay, trên địa bàn có 53 cơ sở dịch vụ văn hóa, nhà hát cải lương, rạp xiếc, rạp chiếu phim, thu hút trên 10 vạn lượt người tham gia vui chơi mỗi năm.

Công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử được quan tâm. Hầu hết các di tích trên địa bàn đến nay đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa khang trang và hoạt động có nền nếp. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn được thực hiện đúng qui định Luật Di sản. Tổng kinh phí đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn là 141.819 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa là 123.108 tỷ đồng. Tiêu biểu là công trình tu bổ tôn tạo chùa Viên Minh, chùa Hòa Mã, nhà bia liệt sỹ và sân vườn chùa Quỳnh, miếu thờ Hai Bà Trưng, đường vào chùa Liên Phái... Nhằm phát huy giá trị di tích, quận đã đề nghị Thành phố công nhận và đón bằng xếp hạng di tích công trình phù điêu Liên khu II chiến lũy Ổ Cầu Dền, công trình lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm lớp bình dân học vụ tại Trường Tiểu học Lương Yên.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về văn hóa được UBND quận đặc biệt quan tâm. Đội kiểm tra liên ngành quận đã kiểm tra 129 lượt cơ sở kinh doanh karaoke, xử phạt vi phạm hành chính 145 triệu đồng; tiêu hủy: 84.096 đĩa tang vật và 64 quyển sách vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, đã xử lý 2.670 trường hợp vi phạm, xử lý 28 biển quảng cáo vi phạm; phạt 2.995 cơ sở kinh doanh vi phạm về biển hiệu và 76 biển quảng cáo; thực hiện bóc, xóa, xé, tháo dỡ hơn 88.562 quảng cáo rao vặt hơn trên các gốc cây, cột điện, xử lý biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định.

Thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục triển khai việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư nhà sinh hoạt cộng đồng và lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao tại địa bàn dân cư đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XXV quận đề ra. Bên cạnh đó, quận cũng sẽ nâng cao chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng. Hoàn thành xây dựng mới Trung tâm Văn hóa Thông tin và thể thao quận; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là thế hệ trẻ trong thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh, giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội.


Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t