Đan Phượng sau 10 năm hợp nhất: Điểm sáng về xây dựng nông thôn mới (19:20 21/08/2018)


HNP - Thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 về mở rộng địa giới hành chính, trong 10 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Huyện Đan Phượng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác. Đặc biệt, năm 2015, Đan Phượng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố Hà Nội.

Đan Phượng đổi thay sau 10 năm sát nhập về Hà Nội


Nhận thức Nghị quyết 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008, của Quốc hội là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước mở ra không gian, cơ hội cho sự phát triển của Hà Nội nói chung và huyện Đan Phượng nói riêng, huyện Đan Phượng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các Nghị quyết chuyên đề, xây dựng các chương trình, đề án phát triển, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của huyện nhằm tạo bước đột phá, tập trung vào thay đổi cơ cấu kinh tế. Nhờ vậy, 10 năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,54%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại tăng cao; sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao được coi trọng; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích năm 2017 đạt 180 triệu đồng/ha/năm tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 40,3 triệu đồng/người, tăng 3,875 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 10,4 triệu đồng/người). Hộ nghèo giảm từ 7% xuống 2,62%. Thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều vượt dự toán Thành phố giao.
 
Công tác xây dựng NTM được chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với cách làm sáng tạo được nhân dân đồng thuận, tham gia đạt kết quả nổi bật, bộ mặt nông thôn đổi mới khang trang. Cuối năm 2015, 15/15 xã đã đạt chuẩn NTM, huyện Đan Phượng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM đầu tiên của Thành phố Hà Nội. Bước sang nhiệm kỳ mới 2015- 2020, Huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng NTM theo hướng nâng cao chất lượng các tiêu chí, quan tâm giữ vững huyện NTM đầu tiên (nhiệm kỳ 2015- 2020); từ đó, xây dựng NTM giai đoạn 2 với nội dung nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng phát triển sản xuất với bước đi và cách làm phù hợp với định hướng: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”; rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM các xã; chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu tại 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung. Đến nay, đã hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng. Những con đường có hoa, “con đường bích họa” tại nhiều xã như Đan Phượng, Đồng Tháp, Liên Hồng, Liên Trung, Thượng Mỗ, Phương Đình, Tân Lập… đã tạo nên diện mạo mới cho quê hương NTM  Đan Phượng. Phấn đấu kết thúc năm 2018, có 03 xã đạt xã NTM kiểu mẫu.
 
Với những cách làm sáng tạo, Đan Phượng đã trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới 
 
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với bước đi, cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; đã huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó phát huy nội lực là chính, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Thành phố và thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Trong 10 năm qua, huyện đã huy động được 3.727,73 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản (ngân sách Thành phố hỗ trợ 1.681,3 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn huyện 1.780,8 tỷ đồng, huy động xã hội hoá 265,56 tỷ đồng), thực hiện đầu tư 1.236 dự án ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, giáo dục, y tế, giao thông, thủy lợi, văn hóa, môi trường, phát triển đô thị,... Hoàn thành cơ bản hạ tầng khung của huyện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
 
Cùng với đó, huyện cũng tích cực đầu tư kinh phí xây dựng và duy trì hệ thống chiếu sáng, trang trí công cộng góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp; sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và đạt hiệu quả, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 
 
Văn hoá-xã hội có nhiều tiến bộ vượt bậc, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa-thông tin-thể thao, đào tạo lao động, giải quyết việc làm… được tăng cường đầu tư, chất lượng được nâng lên. Đến nay, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 43/52 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục; an sinh xã hội được đảm bảo. Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, các danh hiệu văn hóa. Năm 2009, toàn huyện có 41/76 làng, tổ dân phố, 19 cơ quan, đơn vị, 27.641/32.780 hộ gia đình (84,5%) đạt danh hiệu văn hóa. Đến hết năm 2017, toàn huyện có 07/15 (đạt 46,7%) xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 89/120 (74,2%) làng, cụm dân cư, 6/9 (66,6%) tổ dân phố, 84/132 (64%) cơ quan, đơn vị, 36.314/40.085 (90,5%) gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, việc xây dựng nếp sống văn hóa trong thời kỳ mới có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền, huyện Đan Phượng được nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và của Thành phố. Năm 2013, Đảng bộ và nhân dân huyện được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; năm 2015, 15/15 xã thuộc huyện đạt chuẩn NTM, huyện được công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của thành phố Hà Nội.
 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đan Phượng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 08 chương trình công tác lớn của Thành ủy, 06 chương trình công tác của Huyện ủy, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã đề ra. 

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t