Phát triển giao thông nông thôn: Nền tảng cho sự phát triển KT-XH bền vững (18:33 14/08/2018)


HNP - Thực hiện chương trình công tác của Thành ủy về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn cộng với sự đầu tư trọng điểm trong quá trình triển khai xây dựng NTM, đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn của thành phố Hà Nội được đánh giá là tốt nhất cả nước. Điều này đã làm thay đổi tích cực đời sống người dân khu vực nông thôn.

Đường tỉnh lộ 419 dẫn vào khu dích chùa Hương được mở rộng


Về các thôn, làng của khu vực ngoại thành Hà Nội bây giờ, không khó để nhận ra sự thay đổi nhiều mặt so với trước đây. Những con đường giao thông nội thôn, nội đồng gần như đã được bê tông hóa toàn bộ, thuận lợi cho việc đi lại. Như tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, trước đây, đi từ thôn này đi sang thôn kia chỉ có các đường đất rộng 2m, nhưng giờ đây nhiều tuyến đường trong xã đã rộng hơn 5m. Có được điều đó ngoài sự đầu tư của xã thì nhiều hộ dân cũng tích cực hiến đất làm đường. Riêng ở thôn 7, xã Ba Trại, đã có tới 270 hộ tham gia hiến đất mở đường với tổng diện tích lên tới 4.570m2. 
 
Khi người dân đồng thuận, ủng hộ việc thu hồi đất làm đường thì việc đầu tư xây dựng của huyện và thành phố trở lên hết sức thuận lợi. Trong vòng 10 năm qua, huyện Ba Vì đã xây dựng hơn 170km đường liên thôn, liên xã, các tuyến đường này được mở rộng bê tông hóa, đường sá được mở mang. Nhờ giao thông thuận lợi các hộ đã mở rộng diện tích canh tác lên hàng trăm hecta chè, cây lâm nghiệp và sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ dễ dàng hơn so với trước đây.
 
Theo ông Hoàng Văn Chuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại, huyện Ba Vì, hiện nay, hệ thống giao thông của xã đã cơ bản hoàn thiện, khi đường được hoàn thiện thì hàng hóa bà con nông dân sản xuất ra như lúa gạo, sản phẩm chăn nuôi, lâm sản được thông thương thuận lợi, nâng cao được giá trị nông sản.
 
Có thể khẳng định sau khi hợp nhất giữa hai địa phương, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được thành phố đầu tư cho huyện Ba Vì, huyện xa nhất thành phố để cải tạo 12 tuyến tỉnh lộ, 33 tuyến đường huyện với tổng chiều dài hàng trăm kilomet. Hệ thống đường trục xã đường liên thôn dài hàng nghìn kilomet cũng được trải nhựa hoặc bê tông hóa, giao thông giữa các xã trong huyện kết nối hoàn thiện. Nhờ sự đầu tư đó mà trước đây kinh tế huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp đến nay tỷ trọng thương mại dịch vụ du lịch đã chiếm hơn 40% cơ cấu kinh tế, nông lâm nghiệp chỉ chiếm 37%. Đời sống bà con các dân tộc đồng bào Ba Vì giờ đã khấm khá sung túc hơn hẳn trước đây.
 
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, hiện nay, hệ thống giao thông đã tạo ra sự thuận tiện cho người dân, việc vận chuyển hàng hóa phục vụ cho việc tiêu thụ cho bà con trong vùng sản xuất rất thuận lợi. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt khoảng 34 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4 lần so với trước khi hợp nhất.
 
Tương tự tại huyện Mỹ Đức, đây là địa phương được thiên nhiên ưu đãi cho danh lam thắng cảnh Hương Sơn độc đáo, nhưng trước kia, do giao thông kém phát triển du khách chỉ đến Hương Sơn vào mùa lễ hội đầu năm còn những mùa khác vắng vẻ. Thời điểm đó, con đường tỉnh lộ 419 huyết mạch dẫn vào khu dích chùa Hương 2 xe ô tô tránh nhau cũng khó, nhiều người ở các địa phương khác ngại qua đây. Tuy nhiên, vừa qua, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở rộng tuyến đường với 4 làn xe.
 
Giao thông thuận tiện không chỉ "hút" du khách vào dịp mùa Xuân mà còn được khám phá vẻ đẹp cảnh quan Hương Sơn và tất cả các mùa. Từ một huyện thuần nông, đến nay, doanh thu của thương mại dịch vụ du lịch đã chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Mỹ Đức.
 
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, với tiềm năng về thiên nhiên cùng với hệ thống đường giao thông đã hỗ trợ cho huyện phát triển về du lịch. Đến nay, tỷ trọng du lịch đã đạt được 44% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hệ thống đường giao thông đã mở ra một trang mới cho phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
 
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, ngoài việc huy động nguồn vốn ngân sách vào xây dựng giao thông nông thôn, thành phố cũng có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. Tâp trung xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới… nhờ đó bộ mặt nông thôn dần thay đổi. Các dự án hạ tầng giao thông được hoàn thành đã tạo điều kiện cho thành phố khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế, đặc biệt là tiềm năng về du lịch, gắn phát triển du lịch với tạo việc làm, nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t