Đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Đan Phượng (19:01 15/06/2018)


HNP - Sau 2 năm được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng vẫn đang phát huy ưu thế dẫn đầu khi các tiêu chí tiếp tục được nâng cao. Không dừng lại ở đầu tư cơ sở hạ tầng, giai đoạn này, xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng sẽ hướng đến phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo thu nhập cao hơn cho người dân.

Mô hình trồng hoa công nghệ cao ở HTX Đan Hoài


Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XIV về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, huyện Đan Phượng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình từ việc phổ biến, quán triệt, xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện đến việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. So với giai đoạn trước, nội dung, cách thức, bước đi, các làm vận động nhân dân có nhiều điểm mới, sáng tạo. 
 
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Hiện, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, trong sản xuất nông nghiệp, toàn huyện đã chuyển đổi được 547ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đã đạt 40,3 triệu đồng/người/năm. Đan Phượng cũng tiếp tục đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, huyện có thêm 4 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 43/52 trường; xây dựng thêm 31 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, nâng tổng số cụm dân cư có nhà văn hóa lên 118/126; cải tạo, chỉnh trang thêm 16 ao, giếng, góp phần bảo vệ môi trường sạch đẹp…
 
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, do quỹ đất sản xuất không nhiều nên Đan Phượng chọn hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm khâu đột phá, chủ lực là rau, hoa, cây ăn quả để nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới ở các xã Phương Đình, Thọ Xuân, Song Phượng, Đan Phượng với diện tích 1.260m2; xây dựng 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 2 mô hình trồng hoa, 4 mô hình rau hữu cơ, 1 mô hình trồng, sơ chế cây đinh lăng, 1 mô hình trồng nấm. Bưởi tôm vàng là cây trồng có thế mạnh của huyện cũng đang được triển khai, nâng cao chất lượng trên diện tích 82ha tại xã Thượng Mỗ.
 
Đồng thời, huyện cũng quan tâm chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ví như, mở rộng mặt bằng điểm sản xuất của làng nghề mộc xã Liên Hà và Liên Trung, Cụm công nghiệp làng nghề xã Đan Phượng và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống khác trên địa bàn.
 
Đối với 03 xã được chọn làm điểm gồm các xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018. Đến nay, các xã đã cơ bản hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà với 38.900 biển số nhà và 3.806 biển chỉ dẫn công cộng; trồng hoa, cây xanh trên 24,79km đường giao thông và vẽ tranh bích họa trên 1,84km đường làng. Tổng kinh phí gắn biển số nhà, trồng hoa, trồng cây xanh, vẽ tranh khoảng 6 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp 3,7 tỷ đồng.
 
Đường giao thông liên xã, liên thôn tại huyện Đan Phượng đã được bê tông hóa, nhựa hóa
 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, do tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cao hơn giai đoạn trước nên đòi hỏi huyện phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong khi đó, hiện nay, huyện vẫn còn 6 xã chưa đạt 100% trường chuẩn cần tiếp tục được đầu tư. Đối với sản xuất, các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao còn chưa nhiều, đầu ra cho nông sản còn bấp bênh…
 
Huyện Đan Phượng đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kêu gọi đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và an toàn thực phẩm thịt lợn tại xã Trung Chầu, rau hữu cơ tại xã Đan Phượng, Thọ Xuân;...
 
Để làm tốt công tác này, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tổ chức lại sản xuất, thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh". Đồng thời, nhân rộng các điển hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu hàng nông sản. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
 
Với phương hướng xác định rõ, Đan Phượng tiếp tục đổi mới, phát huy mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước đưa quê hương Đan Phượng trở thành điểm sáng kinh tế của Thành phố trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t