Gia Lâm: Nâng cao chất lượng các tiêu chí để cán đích huyện nông thôn mới trong năm 2018 (21:32 19/04/2018)


HNP - Năm 2018, huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung chỉ đạo duy trì những tiêu chí đã đạt và hoàn thành những tiêu chí cơ bản đạt. Đến tháng 3/2018, theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Gia Lâm đã có 08/09 tiêu chí đạt gồm: Quy hoạch, Thủy lợi, Giao thông, Điện, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, An ninh - trật tự xã hội, Sản xuất, Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Trong các tiêu chí đã đạt, đáng kể là tiêu chí về đường giao thông. Hiện, toàn huyện có 50,21/50,21km đường thuộc huyện quản lý. Trong đó 100% các tuyến đều đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối với trung tâm hành chính các xã trên địa bàn. Hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện đều được xây dựng kiên cố phù hợp với cấp đường quy hoạch. 100% tuyến đường do huyện quản lý được bảo trì hàng năm.

Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi gồm 46 trạm bơm các loại, 1.471 tuyến kênh với chiều dài 706,79km, đều được xây dựng phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, được tổ chức quản lý khai thác có hiệu quả, bền vững. Về tiêu chí điện, hệ thống lưới điện hạ áp trên địa bàn dài 1.790km, trong đó, đường dây cáp ngầm là 125km, chiếm tỷ lệ 7%; đường dây nổi là 1.666km, chiếm tỷ lệ 93%; có 631 trạm biến áp đều đảm bảo thông số kỹ thuật, an toàn theo quy định. Năm 2017, UBND huyện tiến hành đầu tư 100% hệ thống chiếu sáng đường làng ngõ xóm trên địa bàn toàn huyện đảm bảo che phủ 100% với tổng kinh phí 79,966 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối với tiêu chí về sản xuất: Năm 2016, UBND huyện đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tại 20 xã, thị trấn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: vùng chuyên lúa 1.360,95ha; vùng rau: 378,23ha; vùng cây màu 230,79ha; vùng cây ăn quả: 2.073,24ha; vùng hoa cây cảnh 86,95ha; vùng nuôi trồng thủy sản 79,97ha; các mô hình chuyển đổi cây trồng: VAC, VA, VC, cây giống CAQ, chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 1.560,91ha,…

Trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2016-2020; trong đó hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, bao gồm các nội dung: hỗ trợ phát triển lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả và giống cây ăn quả, hoa, cây cảnh, phát triển các mô hình kinh tế trang trại VA, VAC, chăn nuôi, đầu tư hạ tầng, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... là động cơ quan trọng thúc đẩy cho phát triển sản xuất và hạ tầng nông thôn.

Trên địa bàn huyện đã triển khai các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch đạt 20% như trồng trọt có: rau an toàn, cây ăn quả các loại: cam, bưởi, ổi, chuối,… chăn nuôi có sữa bò tươi với các đơn vị doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại; Các hợp đồng thu mua sản phẩm nông nghiệp được ký kết giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân với doanh nghiệp ổn định từ 3-5 năm. Đối với các sản phẩm rau an toàn, cây ăn quả (chuối, ổi, cam), sản phẩm sữa bò tươi (là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Huyện), huyện đã thực hiện xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm; các HTX, các tổ chức, cá nhân tiêu thụ rau, quả, sản phẩm sữa bò tươi của huyện (đại diện cho người dân) đã ký kết hợp đồng liên kết với các tập đoàn, các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm của Huyện, ... sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt 40 - 50% sản lượng sản xuất rau an toàn, sản phẩm sữa bò tươi trên địa bàn.

Song song với phát triển kinh tế, huyện đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, UBND huyện đã phê duyệt Phương án bảo vệ môi trường; xây dựng các điểm tập kết rác thải, chất thải rắn trên địa bàn Huyện và bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo thu gom, vận chuyển đạt trên 95% khối lượng rác thải, đất thải, phế thải xây dựng phát sinh trong ngày. Toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn sau khi sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về môi trường: 95% doanh nghiệp đều đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết môi trường hay đề án bảo vệ môi trường (đơn giản hoặc chi tiết); 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đều đảm bảo vệ sinh, môi trường; 93% cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện đảm bảo vệ sinh, môi trường bằng hệ thống bể biogas, đệm lót sinh học và cung cấp cho các đơn vị xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng mô hình nuôi giun quế. Để khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại làng nghề, UBND huyện đã chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường theo quy định. Đến nay, 5/5 làng nghề đã được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường theo theo quy định.

Tiêu chí an ninh trật tự cũng được huyện thực hiện tốt. Những năm qua, trên địa bàn tình hình an ninh, trật tự xã hội luôn được giữ vững ổn định, không để hình thành các tụ điểm về tội phạm và tệ nạn xã hội, thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Huyện không có khiếu kiện đông người, vượt cấp, phức tạp, kéo dài. Đặc biệt, năm 2015 Công an huyện vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Phát huy những kết quả trên, trong thời gian tới, Gia Lâm sẽ phấn đấu duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 20/20 xã và Huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao tại 02 xã Đa Tốn và Yên Viên; gắn việc duy trì các tiêu chí nông thôn mới với thực hiện tốt trật tự và văn minh đô thị. Đồng thời, tập trung chuyển đổi cơ cấu cơ cấu cây trồng vật nuôi; khai thác sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh theo quy hoạch vùng  sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái.


Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t