Văn Miếu Sơn Tây: Điểm đến mới hấp dẫn du khách (08:46 27/02/2018)


HNP - Nằm ngay trung tâm thị xã Sơn Tây, Khu di tích Văn Miếu (thôn Văn Miếu, xã Đường Lâm) đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi hòa vào tuor thăm quan nổi tiếng như: Làng cổ ở Đường Lâm, Đông Cung (Đền Và), Thành cổ Sơn Tây…

Toàn cảnh Khu di tích


Tài liệu chính về Văn Miếu Sơn Tây hiện chưa được hoàn thiện, nhưng theo lời kể của cụ từ đang trông giữ tại Khu di tích này cho biết: Văn miếu Sơn Tây là Văn Miếu của Trấn Tây - một trong 4 văn miếu của tứ trấn Thăng Long. Thời nhà Nguyễn, Văn Miếu Sơn Tây đặt ở Cam Thịnh. Đến tháng 7 âm lịch năm Đinh Mùi, niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), Văn miếu tỉnh Sơn Tây được dời đến làng Mông Phụ thuộc tổng Cam Giá Thịnh. Năm Thành Thái thứ 3, tổng đốc Sơn Tây là Long Cương Cao Xuân Dục cho trùng tu lại đồng thời soạn họ tên các vị giáp khoa mà khắc vào bia đá.

Văn Miếu Sơn Tây được triều đình cho xây dựng để tôn thờ Đức thánh Khổng Tử, tứ phối (bốn học trò xuất sắc của Đức Thánh là: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử) và 72 vị hiền triết, cùng các danh nhân khoa bảng thuộc khu vực xứ Đoài đã đỗ đạt các danh hiệu qua các thời kỳ của chế độ phong kiến. Sau một số lần tu sửa đã được khánh thành vào năm 1892 (đời vua Thành Thái), toạ lạc trên một khu đất dáng hình chữ nhật thuộc thôn Văn Miếu - xã Đường Lâm ngày nay. Văn Miếu xưa được hình thành với nhiều hạng mục công trình như: cổng tam quan, hồ nước, lầu chuông, lầu khánh, toà đại bái đường, nhà tả hữu vu, sân, hệ thống tường bao, hệ thống cây xanh và cây ăn quả.

Khu Văn Miếu

Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là sau khi hòa bình lập lại sau năm 1954, di tích Văn Miếu chịu nhiều sự tác động nên các hạng mục công trình đã bị xuống cấp, biến dạng. Vừa qua, thành phố Hà Nội đã cho phép thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành phục dựng lại Khu di tích lịch sử với mục tiêu trở thành nơi sinh hoạt, tổ chức và diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hoá cộng đồng của địa phương, từ đó nhằm giáo dục truyền thống học tập, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Hiện Khu di tích Văn Miếu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục được phục dựng và mở cửa đón khách thăm quan.

Với tổng diện tích của khu di tích gần 4 ha, nằm ở vị trí gần trục đường quốc lộ 32, thuận lợi cho việc kết nối tuyến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các di tích tiêu biểu trên địa bàn thị xã như: Làng cổ ở Đường Lâm, Đông Cung (Đền Và), Thành cổ Sơn Tây, di tích văn Miếu được đưa vào sử dụng, quản lý, bảo tồn sẽ tạo ra một điểm tham quan, nghiên cứu, góp phần khẳng định, chứng minh một địa chỉ tiêu biểu của kho bảo tàng văn hóa xứ Đoài, giáo dục, tôn vinh truyền thống hiếu học cho các thế hệ. Đến với Văn Miếu Sơn Tây hôm nay, du khách rất vui mừng khi thấy một số hạng mục như: Khu Văn Miếu (Nằm ở trung tâm khu di tích có trục thần đạo là trục Bắc - Nam, hướng vào chính là hướng Nam, gồm các khu Hồ sen, Tứ trụ, Nhà điều hành - đón tiếp, Nhà soạn lễ, Văn Miếu Môn, Lầu Chuông, Lầu Khánh, Tả Vu, Hữu Vu, Thượng điện và Đại Bái đường, Đền Khải thánh, Cổng phụ, Sân lễ hội); khu Câu lạc bộ thư pháp; Khu khuyến học; Khu vườn tượng; Khu cây xanh cảnh quan… Hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng cũng đang dần hoàn thiện, không khí thoáng đãng, trong lành.

Văn Miếu môn

Cụ từ đang trông giữ Văn Miếu cho biết: Phục dựng lại Khu di tích lịch sử với mục tiêu trở thành nơi sinh hoạt, tổ chức và diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hoá cộng đồng của địa phương, từ đó nhằm giáo dục truyền thống học tập, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Văn Miếu Sơn Tây ngoài chức năng thờ các vị tiên Nho, còn là nơi đào tạo nhân tài và lưu danh các bậc hiền tài mà danh tiếng, công tích của họ đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Di tích này là nơi nêu gương truyền thống hiếu học, khoa bảng - là biểu tượng của truyền thống Nho học, góp phần tô đẹp thêm truyền thống lịch sử, văn hoá ở vùng xứ Đoài. Trước khi đi thi, các thí sinh thường đến thắp hương xin lộc cầu ước cho nguyện vọng thành đạt. Học sinh các cấp học trong vùng vẫn đến đây tham quan học tập để hiểu thêm về truyền thống hiếu học của quê hương. Những năm gần đây, vào ngày Rằm tháng Giêng, các thành viên của Câu lạc bộ thơ Xứ Đoài về đây bình thơ, xướng, họa rất vui.

Hy vọng với điểm đến mới này, du khách sẽ có thêm một địa chỉ hấp dẫn để thưởng ngoạn khi đi du lịch đến vùng đất nổi tiếng có hai Vua.


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t