Quận Hai Bà Trưng: Xây dựng nếp sống văn minh nâng cao đời sống văn hóa – tinh thần (13:08 13/02/2018)


HNP - Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, cùng với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, quận Hai Bà Trưng đã tích cực vào cuộc một các đồng bộ. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội cũng như xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn quận đã có những chuyển biến rõ nét.

Lễ hội làng Đồng Nhân - lễ hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng


Lan tỏa nếp sống đẹp
 
Việc cưới, việc tang là những sự kiện quan trọng trong truyền thống văn hóa người Việt. Chỉ thị 11-CT/TU về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thành phố đã tạo điểm nhấn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, khắc phục được tình trạng thực hiện việc cưới văn minh, tiết kiệm mới dừng lại trong phạm vi hẹp trước đó. Với Chỉ thị này, quận Hai Bà Trưng cũng đã có những cách làm rất sáng tạo. Theo ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng: Tận dụng Nhà Văn hóa quận, một số lễ cưới tập thể đã được tổ chức tại đây. Không chỉ tiết kiệm mà còn còn rất độc đáo nhưng cũng không hề mất đi sự trang trọng. Đặc biệt, quận Hai Bà Trưng cũng vận động, cán bộ, người lao động trong quận và phường tổ chức lễ cưới tại Nhà Văn hóa như là một hình thức tuyên truyền, vận động người dân.
 
Cùng với thực hiện Chỉ thị 11, quận Hai Bà Trưng cũng đã tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ trong việc tang một cách nghiêm túc. Quận đã có văn bản chỉ đạo chung, xây dựng các cơ chế hỗ trợ tổ chức tang lễ, hỗ trợ hỏa táng. Cán bộ đến từng gia đình tổ chức vận động. Tổ chức lễ tang tiết kiệm; không tổ chức các hủ tục lạc hậu, mê tín không phù hợp với nếp sống văn minh; thực hiện hỏa táng, hạn chế việc hung táng người quá cố là những nội dung tuyên truyền, vận động chính, đạt kết quả tốt. Một số hủ tục lạc hậu như khóc thuê, lên đồng ở nhiều nơi đã giảm, thậm chí được xóa bỏ. Năm 2017, số trường hợp qua đời thực hiện hình thức hỏa táng trên địa bàn đạt tỷ lệ hơn 80%.
 
Không chỉ có những chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mà ngay trong việc tổ chức lễ hội, quận Hai Bà Trưng cũng đã để lại những dấu ấn đáng kể. Trong số các lễ hội trên địa bàn quận Hai Bà Trưng phải kể đến lễ hội chùa Vua, lễ hội Đình Đại, lễ hội Đình Lạc Trung… nhưng nổi bật nhất vẫn là lễ hội làng Đồng Nhân - lễ hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Lễ hội được tổ chức vào mồng 6/2 Âm lịch hàng năm cũng là lễ hội lớn nhất trên địa bàn quận thu hút khách thập phương tới dự. 
 
Theo ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng: Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho Lễ hội tới đây và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, quận Hai Bà Trưng đã tiến hành cải tạo, sửa chữa Đền Hai Bà Trưng tại làng Đồng Nhân (công trình được hoàn thành trước Tết Nguyên Đán Mậu Tuất). Cũng theo lãnh đạo quận Hai Bà Trưng: Việc tu sửa này cùng với sự đầu tư thông qua xã hội hóa vào những năm tiếp theo là cơ sở đến năm 2020, quận đề xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Đền thờ Hai Bà Trưng tại làng Đồng Nhân là Di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, hướng đến xây dựng du lịch tâm linh góp phần phát triển ngành du lịch của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
 
Chú trọng xây dựng các công trình cộng đồng 
 
Muốn nâng cao đời sống tinh thần của người dân, cần có các thiết chế văn hóa, nhất là những nhà văn hóa hay điểm sinh hoạt cộng đồng. Thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đã có nhiều nỗ lực trong việc khai thác, xây dựng, cải tạo các công trình công cộng, trong đó, có nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng. Hiện, quận có tổng số 217 địa bàn dân cư với 123 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đang hoạt động. Bao gồm 2 nhà văn hóa phường, 15 nhà sinh hoạt cộng đồng nằm trong các khu chung cư mới xây dựng và do ban quản trị các tòa nhà quản lý. Trong năm, UBND quận đã đầu tư 7 dự án nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các địa bàn dân cư, 2 dự án lắp đặt dụng cụ tập luyện thể thao ở nơi công cộng phục vụ nhân dân. 
 
Với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực, các cấp chính quyền đã huy động mọi lực lượng trong xã hội để bổ sung thêm kinh phí thực hiện việc xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân tại các cơ sở. Tiêu biểu, phường Trương Định đã kêu gọi xã hội hóa hàng trăm triệu đồng để cải tạo sân chơi, lắp đặt 15 bộ dụng cụ tập luyện thể thao vừa chống lấn chiếm đất đai, vừa cải thiện được môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cũng cho biết: Quận đang tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng trên cơ sở chuyển đổi công năng của 78 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn với hy vọng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nâng cao đời sống văn hóa…
 
Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2015 - 2020 vẫn còn hơn một nửa chặng đường. Những thành tựu các mặt nhiệm vụ mà quận Hai Bà Trưng đạt được dẫu chỉ là một phần nhỏ, song, cũng đã góp phần cùng Thành phố hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra. Qua đó, càng làm đẹp hơn hình ảnh về một quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t