Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Thường Tín (13:47 18/12/2017)


HNP - Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện Luật Di sản văn hóa, trong những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thường Tín đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đình Thượng Cung được trùng tu tôn tạo nhưng vẫn bảo vệ nét đẹp truyền thống


Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di tích, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Chương trình số 10-CT/HU ngày 9/01/2012 về “Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện, xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh”; tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; ban hành Chương trình hành động số 24-NQ/HU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hàng năm, UBND huyện ban hành văn bản quản lý, rà soát di tích trên địa bàn huyện, kế hoạch chỉ đạo, tổ chức và quản lý lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích, giữ gìn di sản văn hoá dân tộc trong sinh hoạt lễ hội; nâng cao chất lượng công tác tổ chức và quản lý lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn huyện…
 
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về Di sản văn hoá, Luật Di sản văn hoá, quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Công tác quản lý và sử dụng di tích được huyện phân cấp cụ thể. 100% các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện đều do UBND huyện quản lý về nhà nước và giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý sử dụng, đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hoá, các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và của Thành phố Hà Nội về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Các di tích đều có Quyết định thành lập Ban bảo vệ di tích do đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND các xã, thị trấn làm Trưởng ban. Đối với các di tích chưa được xếp hạng, giao UBND các xã, thị trấn quản lý toàn diện. Các xã, thị trấn cơ bản thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý, nhất là quản lý đất đai. Bên cạnh đó, các xã chú trọng giữ gìn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo sự phân cấp của UBND huyện; chủ động khai báo về di tích và đề xuất việc xếp hạng lên cơ quan có thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại đồng thời ngăn ngừa xử lý các hành vi vi phạm di tích.
 
Kiến trúc độc đáo đình Nghiêm Xá - xã Nghiêm Xuyên
 
Cùng với đó, công tác xã hội hoá trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Vấn đề bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích được tăng cường, nhiều di tích trở thành những địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, thu hút một lượng lớn du khách. Tuy nhiên, do trải qua chiến tranh và sự bào mòn của thời gian nên dù huyện đã rất cố gắng bảo tồn các di tích thì nhiều di tích vẫn bị hư hỏng, xuống cấp. Vì vậy hàng năm, huyện đã thường xuyên chỉ đạo Phòng Văn hoá và Thông tin phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích trên địa bàn. Qua đó, làm căn cứ để tham mưu với UBND huyện trong việc đề xuất xếp hạng các di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc. Trung bình trên địa bàn huyện có 3 di tích được Thành phố và Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng/năm.
 
Qua công tác rà soát, kiểm tra trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có 16 di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được tôn tạo, tu bổ như: khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi - xã Nhị Khê; đền, bến Chương Dương; đình Tự Nhiên… Huyện cũng đề xuất với UBND Thành phố hỗ trợ nguồn kinh phí cho tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp. Năm 2017, UBND huyện hỗ trợ 02 di tích là chùa Mui - xã Tô Hiệu và đình Nghè - xã Tân Minh để tu bổ, tôn tạo với kinh phí hỗ trợ mỗi di tích là 200 triệu đồng; thực hiện tu bổ, tôn tạo Gác chuông, nhà Tả vu, tường rào di tích chùa Đậu và cổng, tường rào khu Ao Huê, Trại ổi đền thờ Nguyễn Trãi với tổng kinh phí đầu tư là 4,5 tỷ đồng.
 
Cùng với việc đầu tư của Nhà nước, huyện cũng tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá việc tu bổ, tôn tạo di tích. Nhân dân trong huyện đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng tỷ đồng cho công việc bảo vệ, quản lý tu bổ, tôn tạo các di tích. Một số di tích được tu bổ, sửa chữa bằng nguồn xã hội hoá như: Chùa Văn Hội - xã Văn Bình với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng; Đình Bình Vọng với tổng mức đầu tư gần trên 3 tỷ đồng; Đình Thượng Đình với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng; Đình Yên Phú chống xuống cấp đột xuất 700 triệu đồng; Đình Nhân Hiền chống xuống cấp gần 700 triệu đồng…
 
Nét cổ kính Tam quan chùa Hưng Hiền, xã Hiền Giang
 
Ngoài ra, công tác tổ chức lễ hội tại các điểm di tích cũng được huyện quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, UBND huyện đều ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác tổ chức lễ hội và hướng dẫn các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy chế của bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND Thành phố Hà Nội ban hành. Các lễ hội đều được thành lập Ban Tổ chức và các nghi lễ trong lễ hội được tổ chức trang nghiêm, phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi địa phương, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan. Hiện nay, toàn huyện có 6 lễ hội quy mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức hàng năm. Những lễ hội mang tính chất vùng, thu hút nhiều du khách đềuđược tổ chức theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hoá, quy chế tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ hội và du khách như: Hội Đền Bộ Đầu - xã Thống Nhất; Hội Lộ - xã Ninh Sở; Chùa Đậu - xã Nguyễn Trãi…
 
Trong thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Qua đó, đảm bảo phục vụ thiết thực đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện. Đồng thời, từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật, văn bia; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường di tích. Tăng cường công tác quản lý các lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội vùng, miền và các lễ hội mang tầm quốc gia. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t