Phát triển chuỗi giá trị nông sản ở Chương Mỹ: Chìa khóa nâng cao thu nhập (14:01 15/12/2017)


HNP - Trong bối cảnh tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững, hiệu quả thì việc huyện Chương Mỹ triển khai thực hiện Đề án phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 là hướng đi phù hợp. Để chuẩn bị cho đề án này, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chương Mỹ đã bàn bạc kỹ lưỡng, thực hiện một các bài bản, căn cơ.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất đồi gò huyện Chương Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao


Tạo tiền đề cho nông sản sạch

Xác định, muốn tạo dựng uy tín, tăng tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường, huyện Chương Mỹ đã xác định, mấu chốt phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cung ứng nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm. Toàn huyện có 14.126ha đất nông nghiệp, trong đó: Diện tích gieo trồng lúa cả năm là 19.123ha, diện tích chuyên canh rau là 270ha. Thực hiện chủ trương của thành phố, thời gian qua, Chương Mỹ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua các mô hình khuyến nông... Nhờ vậy, trong thời gian ngắn, nền nông nghiệp các xã, thị trấn của huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Đến nay, địa phương này đã mở rộng được 561ha trồng bưởi Diễn tập trung chuyên canh, 200ha trồng rau xanh, hơn 2.000ha trồng lúa chất lượng cao, vùng chăn nuôi tập trung xa dân cư với 385 trang trại, trong đó có 317 trang trại gà, 68 trang trại lợn.

Đáng nói, nhận thức của nông dân huyện Chương Mỹ đã chuyển biến tích cực từ việc tập trung sản xuất nông sản thực phẩm năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, có chứng nhận theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng nên các chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho biết, bước đầu, Chương Mỹ hình thành được một số chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi như: Chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau VietGAP ở thị trấn Chúc Sơn; chuỗi sản xuất - tiêu thụ gạo hữu cơ ở xã Đồng Phú... Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm gia công cho doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra vùng chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đem lại thu nhập ổn định.

Khắc phục những điểm yếu

Tuy vậy, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Lê Trọng Khuê cho biết những kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của địa phương còn chưa phản ánh đúng tiềm năng của huyện. Bởi, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: Sản xuất nông nghiệp đa số quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và được chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ còn hạn chế. Đến nay, chỉ 7,9% diện tích trồng rau xanh, 9,6% diện tích cây bưởi và 0,2% với cây lúa của huyện được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ nên giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp thấp, chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ ổn định. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị cũng còn hạn chế, dù có một vài doanh nghiệp tham gia nhưng quy mô nhỏ, không bền vững.

Bước đầu đã hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhưng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn hạn chế, chưa hình thành và phát triển được các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ lớn, ổn định; chất lượng sản phẩm không ổn định và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, tình trạng "được mùa mất giá" thường xuyên tái diễn. Trong chăn nuôi gia súc gia, cầm, huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo hình thức gia công sản phẩm. Song, đang bộc lộ nhiều rủi ro và bất lợi cho người sản xuất, ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Công tác quản lý nhà nước về sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên địa bàn huyện cũng còn hạn chế, nhất là công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm còn nặng về nhắc nhở chưa xử lý kiên quyết cả trong sản xuất, sơ chế, chế biến, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sản xuất chân chính và thiếu lòng tin của người tiêu dùng.

Khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên, Huyện ủy Chương Mỹ vừa ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện Đề án "Phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững huyện Chương Mỹ giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025". Theo đó, Huyện ủy Chương Mỹ đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu về quy hoạch; tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ; đầu tư hỗ trợ sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng góp sản phẩm; xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; vốn đầu tư. Riêng kinh phí để thực hiện đề án trên gần 44 tỷ đồng. Với Đề án này, huyện Chương Mỹ kỳ vọng, năm 2018: Phát triển các chuỗi giá trị nông sản; phát triển 3 mô hình chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng của huyện (rau 30ha, lúa gạo 90ha, bưởi 40ha); xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ gà thả vườn sinh học quy mô 10.000 con. Còn mục tiêu đến năm 2020, định hướng đển năm 2025: Phát triển các chuỗi giá trị rau, bưởi, lúa VietGAP và hữu cơ an toàn và bền vững quy mô 500ha định hướng đến năm 2025 quy mô là 1.000ha; phát triển chuỗi chăn nuôi gà thả vườn đến năm 2020 quy mô 100.000 con định hướng đến năm 2025 quy mô 300.000 con; lợn giống địa phương đến năm 2020 quy mô 2.000 con định hướng đến năm 2025 quy mô 5.000 con. Duy trì các chuỗi chăn nuôi gia công ứng dụng công nghệ cao với doanh nghiệp lớn; tập trung giải quyết xử lý môi trường chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t