Phúc Thọ: Đích đến huyện nông thôn mới (15:29 08/12/2017)


HNP - Huyện Phúc Thọ đã chuyển mình mạnh mẽ với những điểm nhấn về xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Từ những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, Phúc Thọ vươn lên trở thành một trong những địa phương dẫn đầu của TP Hà Nội về xây dựng nông thôn mới.

Đất thuần nông chuyển mình

Kể từ khi thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới, mọi thứ đã thay đổi với nông dân huyện Phúc Thọ. Ruộng đồng ở đây không còn manh mún đã trở thành những cánh đồng “một thửa”, tạo thuận lợi cho hộ canh tác, đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp thay thế sức lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất... Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn: sau dồn điền, đổi thửa 3.685ha, trung bình mỗi hộ gia đình trên địa bàn huyện chỉ còn 1-2 thửa. Thông qua công tác dồn điền đổi thửa, Phúc Thọ đã hình thành nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hoá hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như: Trồng lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn bằng các giống lúa thơm, lúa nếp với diện tích 700ha ở 5 xã (Võng Xuyên, Phụng Thượng, Hát Môn, Ngọc Tảo và Tích Giang) cho năng suất bình quân 63 tạ/ha, tăng thêm từ 10 đến 20 triệu đồng/ha/vụ so với lúa thường. Hay mô hình gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy triển khai tại xã Ngọc Tảo 35ha, Phụng Thượng 10ha, Hát Môn 10, Võng Xuyên 10, không chỉ tiết kiệm chi phí 179.640 đồng/sào, thay đổi tập quán canh tác, còn cho năng suất 65,7 tạ/ha...

Ông Phùng Anh Tuấn cho biết thêm, ngoài cây lúa, Phúc Thọ đẩy mạnh sản xuất vụ Đông và tập trung chuyển đổi sang phát triển vùng chuyên canh, coi đây là lợi thế nhằm khai thác tiềm năng về đất đai theo hướng có giá trị cao. Mô hình trồng su hào, bắp cải trái vụ tại các xã Vân Phúc, Thanh Đa, Tam Thuấn, Hát Môn là một ví dụ. Sau vụ thu hoạch, trừ các khoản chi phí người dân thu lãi từ 6 đến 7 triệu đồng/sào. Tại các xã như Thanh Đa, Tam Thuấn, Võng Xuyên, Hát Môn, Thọ Lộc, Sen Chiểu, Vân Phúc, Tích Giang, thổ nhưỡng phù hợp, huyện đã tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu vùng chuyên canh trồng rau an toàn, hoa với diện tích 210ha, có diện tích trồng hoa chất lượng cao cho thu nhập từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha. Với một số địa phương có truyền thống phát triển chăn nuôi như: Trạch Mỹ Lộc, Thọ Lộc, Cẩm Đình... mô hình nuôi lợn rừng sạch bằng cách tận dụng rau, cỏ, thân cây chuối làm thức ăn, nuôi gà thả vườn, trồng cỏ nuôi bò thịt BBB và chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp, quy trình an toàn sinh học cũng đang phát huy hiệu quả. Nhờ vậy, số lượng đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản của huyện phát triển nhanh chóng, hiện đàn lợn với 75.200 con, đàn bò 6.768 con, gia cầm 880.000 con, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 695ha, sản lượng ước đạt 2.000 tấn... Ước giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt trên 230 triệu đồng/ha, trong đó, giá trị canh tác đạt hơn 100 triệu/ha.

Hướng đến huyện nông thôn mới

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho hay, từ một vùng sản xuất nông nghiệp khó khăn, sau dồn điền đổi thửa, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, Phúc Thọ đã chuyển mình mạnh mẽ với những điểm nhấn về xây dựng nông thôn mới. Kinh tế của Phúc Thọ đang trong giai đoạn tăng trưởng khá, do vậy, xây dựng nông thôn mới chủ yếu phát huy từ nội lực. Phương châm của huyện, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ mà tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực tại chỗ để xây dựng nông thôn mới; tiêu chí nào chưa cần nhiều kinh phí thì tổ chức triển khai thực hiện trước. Tính đến hết năm 2016, huyện Phúc Thọ có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã còn lại là Thượng Cốc và Xuân Phú có 14/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Để sớm đưa 2 xã này sớm về đích vào cuối năm 2017, huyện Phúc Thọ đã rà soát các tiêu chí, đồng thời, bố trí nguồn lực, động viên nhân dân chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Phùng Anh Tuấn, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hơn tất cả, diện mạo nông thôn Phúc Thọ có bước thay đổi đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Đội ngũ cán bộ huyện đến xã được nâng lên rõ rệt về cả trình độ lý luận và thực tiễn trong thực thi nhiệm vụ. Nhận thức của về chương trình xây dựng nông thôn mới của nhân dân có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Cộng đồng dân cư gắn kết chặt chẽ hơn, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt...

Ông Hoàng Mạnh Phú cho biết, việc các xã và huyện tiệm cận đạt chuẩn nông thôn mới không có nghĩa là xong nhiệm vụ mà cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để nâng chất từng tiêu chí. Qua đó, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và tạo ra diện mạo mới, đẹp hơn nữa trên quê hương Phúc Thọ.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t