Hoài Đức: Giải "bài toán" môi trường trong xây dựng nông thôn mới (13:03 21/10/2017)


HNP - Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, huyện Hoài Đức luôn đối mặt với các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, đô thị hoá... Chính vì thế, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được các cấp, các ngành địa phương này đặc biệt quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Những chuyển biến tích cực

Nhận thức phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, huyện Hoài Đức luôn xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, huyện Hoài Đức đã ban hành nghị, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường. Các xã, thị trấn của huyện đã đưa các chỉ tiêu về môi trường vào nghị quyết lãnh đạo hằng năm. Ở nhiều địa phương đã hình thành nhiều tổ tự quản thu gom rác thải sinh hoạt, đầu tư các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường như: Hệ thống cấp thoát nước, cải tạo ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, trồng cây xanh ở các công trình công cộng. Chỉnh trang cải tạo nghĩa trang, xây dựng đúng quy hoạch bảo đảm các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, đoàn thể, chính trị xã hội của huyện đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân. Nhiều phong trào như cuộc vận động "Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường và nơi công cộng" gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình "Ba sạch" (Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) thực hiện phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Đơn cử, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hoài Đức triển khai mô hình "Sạch đồng ruộng". Nhờ vậy, trên ruộng đồng ở địa phương này đã giảm hẳn tình trạng vứt túi nilon, chai lọ, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi; kênh mương nội đồng được khơi thông sạch sẽ. Đáng nói, nhận thức của chị em phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ngày được nâng cao.

Chị Nguyễn Thị Hương, ở xã Di Trạch cho hay: "Chị em phụ nữ ở quê tôi luôn nêu gương những điển hình tiên tiến trong phòng trào giữ gìn và bảo vệ môi trường. Cùng với đó phản ánh kịp thời các trường hợp vứt đổ rác, phế thải bừa bãi trên đường và nơi công cộng, không đúng quy định...". Theo chị Hương, nhờ sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể địa phương nên ở xã từ lâu đã không còn tình trạng làm mất vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Còn tại xã Tiền Yên, anh Nguyễn Viết Nhương cho biết, được sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Hội Nông dân huyện Hoài Đức, nhân dân địa phương đã thực hiện khá hiệu quả mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và làm sạch đồng ruộng.

Hướng tới phát triển bền vững

Bảo vệ môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng hiện nay, vấn đề rác thải, nước thải sản xuất và sinh hoạt gia đình... đang khiến các địa phương gặp khó khăn, lúng túng. Bằng nội lực và hỗ trợ của thành phố, huyện Hoài Đức đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đến nay, trên địa bàn huyện đã đưa vào vận hành khai thác sử dụng Nhà máy xử lý nước thải cầu Ngà (xã Dương Liễu), công suất 20.000m3/ngày, đêm, kinh phí đầu tư 405 tỷ đồng. Từ khi Nhà máy đi vào hoạt động, đã cơ bản giải quyết vấn đề xử lý nước thải của 3 xã làng nghề chế biến nông sản thực phẩm (Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai). Cùng với đó, UBND TP Hà Nội đã đầu tư ngân sách xây dựng mới 2 nhà máy xử lý nước thải gồm: Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng với công suất 8.000m3/ngày đêm, kinh phí đầu tư 206 tỷ đồng và nhà máy xử lý nước thải Vân Canh với công suất 5.000m3/ngày đêm, kinh phí đầu tư 139 tỷ đồng để xử lý nước thải...

Đặc biệt, kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương này luôn được thành phố và huyện Hoài Đức ưu tiên ở mức cao. Đến hết năm 2016, toàn huyện có có 3 xã (Đông La, La Phù, An Khánh) và toàn bộ dân cư trong các khu đô thị được sử dụng nước sạch tập trung. Năm nay, huyện Hoài Đức đã và đang tập trung thực hiện để cấp nước sạch thêm cho 10 xã và 1 thị trấn, qua đó, nâng tổng số xã được cấp nước sạch tập trung từ nguồn nước sông Đà là 14 xã, thị trấn; tỷ lệ người dân được cấp nước sạch tập trung khoảng 70%. Còn số này vào tháng 6/2018 sẽ được nâng lên thành 100% số xã trên địa bàn huyện được cung cấp nước sạch bảo đảm tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, nhiều giải pháp, phương án thu gom, xử lý rác thải đã được huyện Hoài Đức triển khai và tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Ngoài duy trì phong trào toàn dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường vào các ngày thứ bảy, sáng chủ nhật, các ngành, đoàn thể, lực lượng xung kích và nhân dân tích cực tham gia hoạt động vệ sinh môi trường như: Thu gom rác, làm vệ sinh môi trường khu công cộng, vứt rác trên ao, hồ, xây dựng các tuyến đường, cụm dân cư tự quản góp phần tích cực giảm thiêu ô nhiễm môi trường. Huyện Hoài Đức cũng đã quy hoạch 50 điểm tập kết trung chuyển rác thải trên địa bàn các xã, thị trấn; chỉ đạo đơn vị ký hợp đồng đặt hàng duy trì vận chuyển khoảng 145 tấn rác thải/ngày đến nơi tập kết chung của thành phố, đạt tỷ lệ 95% lượng rác thải phát sinh trong ngày. Đến nay, qua kiểm tra, trên địa bàn huyện không có hiện tượng rác thải tồn đọng qua ngày, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Quang Đức cho biết thêm, cùng với làm tốt công tác thu gom, vận chuyển rác thải, huyện Hoài Đức đã chủ động đầu tư ngân sách và kêu gọi xã hội hóa cải tạo môi trường, nạo vét, kè bờ, làm lan can, đường dạo và trồng hoa, cây xanh chống lấn chiếm, tạo khu vui chơi cho cộng đồng. Đến nay, ao, hồ, đầm trong khu dân cư tại các xã trên địa bàn huyện đã được kè bờ tạo đường di dạo xung quanh, xây dựng lan can, trồng cây xanh, xây hệ thống chiếu sáng để tạo cảnh quan môi trường, điều hòa không khí, làm nơi rèn luyện sức khỏe cho nhân dân...

Với sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân huyện Hoài Đức, địa phương này đã hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.         


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t