Hoàn Kiếm triển khai nghiêm Luật Thủ đô (13:27 21/10/2017)


HNP - Ngay sau khi Luật thủ đô có hiệu lực, xác định việc triển khai thi hành Luật là nhiệm vụ quan trọng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nên công tác triển khai thi hành Luật và các văn bản chi tiết được thực hiện nghiêm túc, tập trung và phù hợp với tính chất đặc thù của Thủ đô.

Để đảm bảo việc thi hành Luật Thủ đô đạt hiệu quả, UBND quận Hoàn Kiếm đã tập trung phát huy mọi nguồn lực trong việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô, các lĩnh vực đạt được những kết quả khả quan: Tình hình phát triển kinh tế tăng, các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch tăng trưởng ổn định; làm tốt công tác quy hoạch, cải tạo cảnh quan đô thị; Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa được thường xuyên chú trọng, nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo; Lĩnh vực giáo dục đào tạo được quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới khoa học - công nghệ trong công tác quản lý, dạy học...

Công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn được chú trọng; TTĐT, TTATGT, VSMT trên địa bàn quận có chuyển biến rõ nét. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị tiếp tục được quan tâm. Hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ - Hàng Khay); hoàn thiện phương án cải tạo chỉnh trang đô thị 6 tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội, tuyến phố Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ.

UBND quận đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công “Phố Sách Xuân Đinh Dậu - năm 2017”; triển khai thực hiện Đề án xây dựng Phố sách Hà Nội đảm bảo tiến độ, chất lượng; đã tổ chức lễ khai trương và duy trì tốt hoạt động của Phố Sách Hà Nội tại phố 19 tháng 12.

Về bảo tồn và phát triển văn hóa: UBND quận đã tập trung chỉ đạo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, UBND 10 phường trong khu vực phố cổ và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý khu vực phố cổ; có cơ chế quản lý cụ thể đối với 21 tuyến phố trong phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, 58 tuyến phố trong phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, 86 biệt thự cũ, 25 công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954; duy trì thường xuyên hoạt động biểu diễn Hát Ca trù trước cửa chợ Đồng Xuân, nhằm phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận.

Công tác quản lý di tích được quan tâm; đã hướng dẫn và tổ chức kiểm tra hoạt động tín ngưỡng ở các điểm di tích Đình, Đền, Chùa đảm bảo thực hiện tín ngưỡng lành mạnh và nếp sống văn minh nơi thờ tự. Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, triển lãm, trưng bày và giới thiệu về văn hóa phi vật thể tại các di tích trên địa bàn quận như Đình Kim Ngân, Đình Đồng Lạc, Đình cổ Vũ Đông, Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội... thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan.

Song song với việc bảo tồn các công trình, kiến trúc di tích lịch sử văn hóa, các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị, như: Việc khôi phục các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian theo Đề án "Tổ chức Lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, như: Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, lễ dâng hương kỷ niệm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang; lễ hội phố chuyên doanh Đông Nam dược, lễ hội “Trung thu phố cổ”; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống tại các di tích: Nhà cổ 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, đình Quan Đế, Trung tâm thông tin phố cổ, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ,... góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội.

Đặc biệt, phối hợp các sở, ngành Thành phố tổ chức các hoạt động lớn như: chương trình hòa nhạc ngoài trời, giao lưu văn hóa Nhật Bản và Lễ hội hoa Anh đào, giao lưu văn hóa ẩm thực Hà Nội với bạn bè quốc tế, chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, cuộc đua xe đạp “về Trường Sơn - Cúp Báo Quân đội nhân dân” năm 2017; chương trình thời trang “Cùng vẽ nên mùa hè rực rỡ của bạn”, chung kết giải chạy Báo Hà Nội Mới lần thứ 44 - Vì hòa bình năm 2017”, giải đua xe đạp Hà Nội mở rộng năm 2017...

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Hiện, trên địa bàn quận có tổng số 21 trường chuẩn Quốc gia. Ngành Giáo dục đào tạo quận tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cả 3 cấp học, lần thứ 8 liên tiếp là lá cờ đầu ngành giáo dục Thủ đô; tỷ lệ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 là 100%, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày là 100%, tỷ lệ học sinh THCS được học 2 buổi/ngày là 56%. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại của UBND quận cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy và học của các nhà trường; giúp ngành giáo dục trên địa bàn quận chủ động đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành.

Nổi bật, trong lĩnh vực kinh tế, tài chính: 8 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng về doanh thu ngành dịch vụ, thương mại, du lịch ước tăng 18,11%; trong đó ngành du lịch ước tăng 21,04% so với cùng kỳ. Đã hoàn thành công tác Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn quận; hoàn thiện Đề án mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng trên địa bàn quận. Công tác quản lý nguồn thu ngân sách trên địa bàn được tập trung chỉ đạo ngay từ đầu năm. Tám tháng đầu năm 2017, thu NSNN trên địa bàn quận ước đạt 4.211 tỷ đồng, bằng 74,6% dự toán năm, bằng 113,9% so với cùng kỳ; trong đó, thu thuế do quận thực hiện ước đạt 1920,7 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán năm, bằng 107,9% so với cùng kỳ (Thuế ngoài quốc doanh ước đạt 1.207,6 tỷ đồng, bằng 74,3% dự toán năm, bằng 124,9% so với cùng kỳ).

Từ thực tiễn thực hiện Luật Thủ đô, thời gian tới, quận Hoàn Kiếm đề nghị Thành phố kiến nghị quy định về mức tiền phạt cao hơn trong lĩnh vực quảng cáo nhằm giải quyết, xử lý nghiêm một số hành vi vi phạm như treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Đồng thời, đề nghị sớm có quy định thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003 về xử lý trật tự xây dựng và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở để đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.


Ngoài ra, đề nghị Thành phố có quy định về chính sách đặc thù đối với quận Hoàn Kiếm về quản lý đất đai, nhà ở vì địa bàn quận Hoàn Kiếm bao gồm khu phố cổ, phố cũ có mật độ dân số đông, một số nhà nhiều hộ dân, nhà ở công, tư xen kẽ, do vậy việc quản lý và giải quyết những tranh chấp về nhà ở gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định của pháp luật; cho phép quận Hoàn Kiếm ban hành phương án quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế tại khu vực trung tâm không có được điều kiện giao thông tĩnh.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t