Huyện Mê Linh: Phát huy lợi thế vùng đất bãi (16:45 14/10/2017)


HNP - Huyện Mê Linh đã xác định rõ phải tập trung khai thác tốt nhất vùng đất bãi ven sông để phát triển nông nghiệp. Bằng sự năng động, nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, huyện Mê Linh đã phát huy lợi thế vùng đất bãi, tạo ra nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.

Nghề trồng hoa ở Mê Linh cho thu nhập khá


Sức bật của vùng đất phù sa

Trên cánh đồng hoa vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Văn Khê, chị Lê Thị Liên, người thôn Văn Quán, chủ một vựa hoa lớn ở đây đon đả mời khách vào thăm vườn hoa. Mới 8 giờ sáng mà trong căn chòi lá đơn sơ đã chất đầy những bông hoa hồng vừa thu hoạch vẫn còn nguyên vẻ tươi tắn. Chị Liên cho hay, thời gian đầu đưa cây hoa vào trồng nhiều người ngại khó khăn, bởi nghề này kỹ thuật công phu, vất vả. Nhưng so với trồng lúa, thấy trồng hoa, cây ăn quả lãi gấp 3-4 lần nên người dân phấn khởi. Với 1,5 mẫu hoa hồng trồng quanh năm, gia đình chị Liên thu lãi từ 15-20 triệu đồng/sào/lứa. Chị Liên cho biết, nhờ trồng hoa, làng quê chị ngày càng khởi sắc, hình hài một nông thôn mới với cuộc sống no ấm, đủ đầy đã lộ diện.

Chị Lê Thị Hạnh cũng là người dân xã Văn Khê cho biết, người dân địa phương đang cung cấp một nguồn hoa lớn cho Thủ đô và nhiều tỉnh thành lân cận. Vườn hoa hồng của chị Hạnh, dự kiến sẽ cho thu hoạch đúng dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 tới, dự kiến, mỗi một sào đất trồng hoa cho thu hoạch, nếu rơi vào thời điểm đắt nhất sẽ đem lại nguồn thu nhập khá.

Hiện nay, xã Văn Khê có khoảng 400ha đất bãi, trong đó, hơn 100ha đất nằm gần mép sông thường xuyên bị sạt lở không thể sử dụng được, còn lại 300ha đã được cải tạo trồng hoa. Ngoài dự án trồng hoa hồng chất lượng cao do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội triển khai với 30ha, nhân dân nơi đây đã cải tạo 40ha trồng hoa hồng chất lượng cao. Bên cạnh cây hoa, người dân đã mở rộng nhiều diện tích trồng rau màu, cây cảnh, cây công trình, cây ăn quả... Tại thôn Khê Ngoại, người dân còn mạnh dạn đưa vào trồng 20ha cây dược liệu như bạc hà, thanh hao hoa vàng, húng để chiết xuất dược liệu hoặc đưa vào trồng cây khác như ớt, chuối, táo, rau màu cho thu nhập cao gấp 3-4 lần cấy lúa.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng nhẩm tính, toàn huyện có khoảng 1.300ha trồng hoa, trong đó chủ yếu là hoa hồng khoảng 1.200ha, tập trung ở các xã Mê Linh, Văn Khê, Thanh Lâm và Đại Thịnh... Việc đưa các mô hình hoa chất lượng cao vào sản xuất góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ, những cây trồng có giá trị thấp, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao góp phần tạo ra sản phẩm hoa chất lượng cao phục vụ thị trường.

Nhân rộng cách làm hiệu quả

Không riêng xã Văn Khê, dọc theo tuyến đê tả Hồng, vùng đất bãi thuộc các xã Tráng Việt, Văn Khê, Hoàng Kim, Thạch Đà, Tiến Thịnh, Chu Phan đã có nhiều sự đổi thay nhờ trồng hoa chất lượng cao và hàng chục trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đang ăn nên làm ra. Chị Nguyễn Thị Thanh xã Tráng Việt cho hay, trước đây vùng đất bãi của huyện chủ yếu là thùng đào, hố đấu, lò gạch thủ công, đất đai gồ ghề, cỏ mọc hoang dại, bây giờ đã thay thế bằng màu xanh của trang trại, vườn trại trồng táo, mít, chuối tiêu hồng, hoa, cây ăn quả, cây cảnh. Ông Đoàn Văn Trọng cho biết thêm, khoảng 40% đất bãi ven sông Hồng của huyện trồng hoa hồng, cúc, huệ, loa kèn, ly... cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha. Tương tự, diện tích trồng rau hằng năm khoảng 3.400ha với sản lượng khoảng 80 nghìn tấn/năm thì trên 50% là đất bãi sông Hồng với sản phẩm chủ lực là củ cải, su hào, súp lơ, cà chua, mướp đắng, dọc mùng, bí xanh, hành tây... mang lại nguồn thu lớn cho nông dân, ước tính giá trị thu nhập trung bình 200-300 triệu đồng/ha...

Thành công từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng bãi của Mê Linh đã mở hướng đi mới cho người dân nơi đây. Để tận dụng khai thác triệt để tiềm năng lợi thế, huyện Mê Linh tiếp tục rà soát đối với một số diện tích vùng bãi khó giao, đất mặt nước ven sông chưa sử dụng đưa vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Tập trung huy động nguồn lực, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng tạo điện kiện thuận lợi cho sản xuất...

Cùng với đó, huyện Mê Linh đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống mới, giúp người nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, nâng cao thu nhập; tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng hoa, rau củ quả an toàn, trong đó, tập trung xây dựng thương hiệu, mẫu mã và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi kết nối, giảm thiểu khâu trung gian nhằm mang lại giá trị cao hơn cho người sản xuất.

Từ cách làm của huyện Mê Linh, các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội có diện tích đất bãi ven sông có thể học tập, tiếp thu kinh nghiệm nhân rộng, tránh tình trạng bỏ đất hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên.


Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t