Làm rõ hiện trạng quản lý rừng, đất lâm nghiệp huyện Sóc Sơn (10:25 21/09/2017)


HNP - UBND huyện Sóc Sơn vừa báo cáo tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016 trên địa bàn huyện nhằm phục vụ Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 14 dân tộc, trong đó, có 13 dân tộc thiểu số, tổng số nhân khẩu dân tộc thiểu số 1.088 người. Trước năm 2005, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp của huyện là 6.630ha. Trong đó có 2 đơn vị quản lý đất lâm nghiệp là Lâm trường Sóc Sơn với diện tích 2.435ha và UBND các xã, thị trấn quản lý với diện tích 4.195ha. Công tác giao đất giao rừng thời điểm này do UBND xã, UBND huyện giao khoán cho người dân chăm sóc bảo vệ rừng.

Từ năm 1999 đến năm 2016, rừng Sóc Sơn đã 2 lần quy hoạch. Quy hoạch rừng năm 1998 và điều chỉnh quy hoạch năm 2008, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp từ 6.630ha đã được điều chỉnh lại là 4.557ha. Sau khi điều chỉnh quy hoạch rừng, UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội chưa ban hành Quyết định giao đất, giao rừng cho UBND huyện Sóc Sơn. UBND huyện Sóc Sơn chưa thực hiện việc giao đất, giao rừng cho người dân theo các nghị định của Chính phủ. Trên địa bàn huyện Sóc Sơn, khu vực quy hoạch đất lâm nghiệp thuộc vùng đồi gò, không có người dân tộc thiểu số sinh sống. Do vậy, không có việc UBND huyện giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý rừng của huyện còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa thực hiện đo đạc bản đồ địa chính đất lâm nghiệp. Chưa thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất lâm nghiệp. Chưa cắm mốc giới đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý và đất lâm nghiệp do UBND các xã quản lý. Đất ở, đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp của hộ dân còn trùng lấn quy hoạch rừng. Rừng Sóc Sơn là rừng trồng thông, keo, bạch đàn. Phần lớn diện tích trồng keo đã đến tuổi thành thục và quá tuổi thành thục nhưng vẫn chưa được trồng thay thế bằng loài cây bản địa khác lâu năm, có giá trị và tăng sự đa dạng của hệ sinh thái rừng của huyện Sóc Sơn.

Để thực hiện tốt công tác quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn, UBND huyện Sóc Sơn đề nghị UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai giao đất gắn với giao rừng cho huyện Sóc Sơn, cho từng người dân đang tham gia trông coi quản lý bảo vệ phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục cho điều chỉnh quy hoạch rừng để bóc tách diện tích đất ở đã được đo đạc bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000 và đất nông nghiệp tỷ lệ 1/2000 trùng lấn ra khỏi quy hoạch rừng.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t