Thường trực HĐND quận Hà Đông: Kinh nghiệm trong chỉ đạo công tác chuẩn bị, tổ chức và điều hành kỳ họp (18:48 13/09/2017)


HNP - Thành công của mỗi kỳ họp HĐND phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: công tác chuẩn bị nội dung các văn bản tài liệu, điều kiện cơ sở vật chất, hoạt động thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, chất lượng Nghị quyết HĐND… Để các kỳ họp được thành công, trong thời gian qua, Thường trực HĐND quận Hà Đông đã áp dụng phương án linh hoạt, phát huy tối đa vai trò của Thường trực HĐND các cấp trong việc chỉ đạo công tác chuẩn bị, tổ chức và điều hành kỳ họp.

Từ thực tiễn hoạt động của HĐND quận và HĐND các phường, Thường trực HĐND quận Hà Đông đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình điều hành hoạt động, chuẩn bị kỳ họp. Trong đó Chủ toạ kỳ họp sẽ chủ động từ khâu dự kiến nội dung, thời gian, chương trình kỳ họp, từ đó, nghiên cứu sắp xếp theo trình tự hợp lý. Các văn bản trình tại kỳ họp được gửi trước ít nhất 5 ngày cho đại biểu HĐND nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến đóng góp. Nội dung các văn bản phải được các Ban HĐND thẩm tra trước khi gửi cho đại biểu. Báo cáo thẩm tra của các ban HĐND phải khẳng định được tính chính xác cả về số liệu trong báo cáo và trong thực tế, là cơ sở để đại biểu HĐND xây dựng các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND phù hợp với thực tiễn.

Về thời gian, Thường trực HĐND quận quyết định sẽ ưu tiên ít nhất từ 1/2 tổng thời gian kỳ họp trở lên cho hoạt động thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Muốn vậy, Chủ toạ kỳ họp phải lựa chọn nội dung nào sẽ trình bày tại kỳ họp, văn bản nào gửi cho đại biểu nghiên cứu. Thông thường các báo cáo về hoạt động của HĐND, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của UBND, thông báo của Uỷ ban MTTQ về những kiến nghị với HĐND, UBND là những báo cáo cần thiết phải trình bày tại kỳ họp, vì nội dung các báo cáo này là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, đồng thời đây cũng là những vấn đề mà đại biểu phải xem xét để bàn các giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, khi trình bày không nhất thiết phải đọc toàn bộ như báo cáo chi tiết đã gửi cho đại biểu, mà nên trình bày tóm tắt nội dung chính, quan tâm đặc biệt các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện. Ngoài ra nếu có báo cáo chuyên đề thì cũng cần phải trình bày tại kỳ họp, vì đây là vấn đề mới cần có sự thảo luận, trao đổi của đại biểu. Số liệu về thu - chi ngân sách cũng cần được công khai để nhân dân có điều kiện giám sát qua hệ thống truyền thanh trực tiếp của địa phương.

Để hoạt động thảo luận của đại biểu tại kỳ họp có chất lượng, Chủ toạ kỳ họp đã áp dụng phương pháp có sự định hướng rõ ràng, gợi ý nội dung cần thảo luận tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, những vấn đề cử tri đang quan tâm, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đại biểu tập trung thảo luận có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng chỉ kiến nghị như ý kiến của cử tri chưa bàn đến giải pháp khắc phục tồn tại hoặc đóng góp vào chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình đại biểu thảo luận phải thể hiện được ý thức trách nhiệm với địa phương, với cử tri trên tinh thần xây dựng, không lồng việc cá nhân vào việc chung, lợi dụng việc thảo luận để thực hiện ý đồ cá nhân, làm chệch hướng nội dung và ảnh hướng đến thời gian kỳ họp. Mỗi đại biểu sẽ tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề thuộc lĩnh vực công tác của mình, nhằm phát huy được trí tuệ tổng hợp của cả tập thể.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn phải có sự chuẩn bị chu đáo và thực sự trách nhiệm. Trên cơ sở các ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND được gửi đến và qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc, Thường trực HĐND xem xét, chọn lọc các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cử tri bức xúc để chuyển đến UBND cùng cấp xem xét, chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Việc chất vấn và trả lời chất vấn phải được chuẩn bị nghiêm túc bằng văn bản. Những vấn đề đại biểu chất vấn nếu thấy giải trình chưa thoả đáng, đại biểu có quyền đối thoại, chất vấn trực tiếp cơ quan có trách nhiệm giải trình tại kỳ họp.

Chủ tọa kỳ họp phải thực sự linh hoạt, uyển chuyển trong quá trình điều hành nhằm tạo ra được không khí dân chủ, thoải mái, nhưng lại hết sức nghiêm túc: yêu cầu người chất vấn khi nêu câu hỏi phải nghiên cứu trước nội dung vấn đề, các số liệu trong báo cáo, trong thực tế, vấn đề nào đã giải quyết dứt điểm, vấn đề nào đang giải quyết hoặc chưa được giải quyết? Khi đặt vấn đề cần đi thẳng vào nội dung, nói ngắn gọn rõ ý và có thể minh hoạ bằng số liệu cụ thể. Khi có những vấn đề phát sinh mới tại kỳ họp như: chất vấn không đúng trọng tâm, nói quá thời gian quy định, trả lời chất vấn thiếu trách nhiệm…Chủ toạ kỳ họp phải xử lý linh hoạt, kịp thời: mềm mại nhưng kiên quyết để tất cả đại biểu dự họp bắt buộc phải tuân theo nội quy và chương trình kỳ họp đã được đại biểu HĐND nhất trí thông qua.

Với những kinh nghiệm đã được áp dụng trong thời gian qua, HĐND quận Hà Đông luôn hoạt động hiệu quả, chất lượng, góp phần điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội của quận ngày càng vững mạnh.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t