Huyện Thạch Thất: Bứt phá trong phát triển nông nghiệp (10:14 22/08/2017)


HNP - Sản xuất nông nghiệp huyện Thạch Thất đã có những chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp, theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Đây là nền tảng quan trọng để huyện bứt phát trong phát triển kinh tế.

Nâng cao giá trị

Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, tại huyện Thạch Thất đã hình thành 120 vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung với năng suất, giá trị thu nhập cao, từ 175 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha như: Vùng trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng hoa, thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng, đu đủ, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư. Đối với ngành trồng trọt, huyện đã tập trung chỉ đạo ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đưa những bộ giống ổn định, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy ở tất cả các hợp tác xã. Huyện đã quy hoạch 500ha ổn định ở các xã Đại Đồng, Phú Kim, Canh Nậu, Dị nậu, Chàng Sơn, Thạch Xá, Hạ Bằng; quy hoạch trồng cây ăn quả ở các xã Kim Quan, Bình Yên, Yên Trung, Lại Thượng; vùng trồng hoa 5ha, trồng rau an toàn 46ha, trồng cây thanh long đỏ 35ha và 200ha trồng lúa cao sản.

Ngành Chăn nuôi của huyện cũng được duy trì mức phát triển khá. Toàn huyện có 54 trại lợn, tập trung ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân, Lại Thượng, Cẩm Yên, Kim Quan, Thạch Hòa. Mỗi trại lợn có tổng đàn trên 10.000 con. Huyện Thạch Thất đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Lại Thượng, Bình Yên, Kim Quan để tiếp tục chăn nuôi dần theo hướng hàng hóa. Chăn nuôi thủy sản với các mô hình nuôi cá, ba ba, ếch đang được đầu tư phát triển mạnh ở các xã Đại Đồng, Lại Thượng, Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Yên Bình cho thu nhập khá, năng suất bình quân đạt 13,8 tạ/ha.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm chỉ đạo. Nhờ vậy, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất từng bước được nâng lên, đã chỉ đạo hoàn thành mô hình cơ giới hóa đồng bộ trồng lúa từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Công tác tưới, tiêu chủ động cho trồng lúa, hoa màu đạt 90% diện tích đất canh tác. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấy cây trồng vật nuôi, cơ cấu nội ngành Nông nghiệp Thạch Thất chuyển biến theo hướng tích cực, giảm dần diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp như: Khoai lang, sắn, tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm mang tính hàng hóa như rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả...

Việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất được huyện đặc biệt coi trọng. Từ đó, đã rút ngắn thời gian gieo trồng và vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, diện tích trồng lúa, rau màu, cây ăn quả được gieo trồng bằng giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật năng suất cao. Đàn vật nuôi được giữ vững và phát triển, công tác phòng bệnh, vệ sinh thú y luôn được bảo đảm. Diện tích rừng được đầu tư chăn sóc, bảo vệ tốt. Ngoài tạo ra thu nhập cho nông hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo còn tạo ra cảnh quan môi trường, sinh thái cho khu vực và Thủ đô, tại điều kiện cho ngành Du lịch sinh thái vườn rừng phát triển. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản thực hiện được một số khâu dịch vụ chủ yếu cho nông dân nhưng cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, phân bón, tưới tiêu, làm đất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi...

Phát triển bền vững

Trong định hướng phát triển, huyện Thạch Thất xác định rõ, xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn. Quy hoạch và xây dựng các vùng trồng rau an toàn, rau cao cấp, vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả... Xây dựng các vùng chuyên canh lúa năng suất, chất lượng cao; giữ vững diện tích gieo trồng lúa khoảng 3.700ha vào năm 2020. Xây dựng vùng chuyên canh chất lượng cao, cơ giới hóa đồng bộ quy mô tập trung tại các xã: Lại Thượng, Cẩm Yên, Đại Đồng, Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Hạ Bằng, Thạch Xá, Chàng Sơn... Cùng với đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư thâm canh để đạt năng suất từ 62 đến 65 tạ/ha/vụ; nâng diện tích trồng rau an toàn từ 700 đến 800ha; phấn đấu toàn huyện có 150ha trồng hoa, cây cảnh tại các xã ven quốc lộ, tỉnh lộ và ven đô thị như: Phùng xá, Thạch Xá, Đại Đồng, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Bình Phú, Hạ Bằng, Tân Xã, Đồng Trúc.

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thất tập trung nhân rộng mô hình trồng hoa chất lượng cao tại các xã Đại Đồng, Yên bình, Tiến Xuân, Canh Nậu, Dị Nậu, Phú Kim, Hương Ngải. Khuyến khích các vùng trồng cây ăn quả tập trung tại xã vùng đồi gò; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, tạo khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao. Nhanh chóng hình thành các khu chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến công nghiệp tập trung, xa khu dân cư, có hệ thống xử lý môi trường; tăng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, bố trí chủ yếu ở các xã vùng trũng, tiếp giáp với sông Tích như các xã Cẩm Yên, Lại Thượng, Phú Kim, Kim Quan, Cần Kiệm, Bình Yên, Thạch Xá... Tận dụng toàn bộ các mặt nước, cải tạo một phần diện tích đất mặt nước chưa sử dụng, chuyển đổi một phần đất lúa vùng úng trũng năng suất thấp để nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, phát triển bảo vệ rừng với diện tích hiện cao với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch, bảo tồn cây quý hiếm.

Ngoài ra, huyện Thạch Thất chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện tốt mối liên kết "4 nhà" (Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để triển khai thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng các tiên bộ kỹ thuật về công nghệ, giống cây trồng vật nuôi, công nghệ chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩn nông nghiệp cho nông dân nhằm tăng nhanh giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác và bảo đảm an toàn thực phẩm, nông sản. Khuyến khích phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ vật tư cung ứng cho nông dân kịp thời và hiệu quả. Đa dạng hóa các loại hình kinh doanh dịch vụ đầu vào và đầu ra cho ngành Nông nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.   


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t