Thạch Thất tập trung phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp (13:00 26/06/2017)


HNP - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất tiếp tục có bước phát triển khá. Các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả ngày càng đa dạng, phong phú và phát triển ở hầu hết các xã, thị trấn cho năng suất và giá trị thu nhập cao. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra với tốc độ cao đã làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Do đó, việc luân canh, tăng vụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thạch Thất có vị trí vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Hàng năm, nông nghiệp Thạch Thất cung cấp nhiều nông sản thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn và khu vực. Ngoài ra, nông nghiệp còn có vai trò to lớn trong việc bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái cảnh quan du lịch của khu vực và Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra với tốc độ cao đã làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, trong khi đó, vẫn phải duy trì mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5%/năm. Do đó, việc luân canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi, tiếp tục mở rộng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao là điều rất cần thiết.
 
Trước thực trạng trên, huyện đã chỉ đạo mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao ở 2 vụ chính, giống rau màu, cây có củ ở vụ Đông, kết quả đều đã đem lại hiệu quả. Đáng chú ý, trong thời gian qua, Thạch Thất đã lựa chọn các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao làm khâu đột phá để phát triển sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, diện tích trồng các loại giống lúa dài ngày, năng suất thấp chiếm 65% diện tích gieo cấy, thì đến nay, hơn 95% diện tích đã được gieo cấy các loại giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao như BC15, Thiên ưu 8, RVT... Năng suất trung bình đạt hơn 62 tạ/ha. 
 
Trong những năm qua, huyện đã tổ chức cho các xã, thị trấn thăm quan học tập các mô hình mới trong và ngoài thành phố; ứng dụng các tiến bộ Khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đưa các giống cây con có năng suất, chất lượng vào sản xuất, tập trung chỉ đạo sản xuất đúng thời vụ, đúng cơ cấu giống; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, phòng trừ sâu bệnh, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở và tổ chức hội nghị đầu bờ giúp cho cán bộ và nhân dân tiếp cận các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Đến nay, toàn huyện có 450 máy làm đất các loại, 02 kho lạnh bảo quản nông sản, 23 máy gặt đập liên hợp, 250 máy tuốt lúa, 7 máy cấy, 58 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 03 dây truyền 9 mạ khay và gần 42.000 khay gieo mạ. Qua đó, đã nâng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó khâu làm đất từ 60% lên 98%. Mô hình thí điểm dây chuyền sấy thóc với công suất 9 tấn/ngày, bước đầu đã đạt hiệu quả, góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm chi phí sản xuất, giảm hư hại nông sản và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. 
 
Đáng chú ý, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 112 mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp. Qua khảo sát đánh giá thực trạng sản xuất tại các mô hình cho thấy, phần lớn các mô hình thực hiện đúng theo dự án được duyệt, hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng, doanh thu đạt từ 200 triệu đến trên 1 tỷ đồng/năm.
 
Mặc dù sản xuất nông nghiệp của huyện những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và chỉ đạo thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, song việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả vẫn còn một số hạn chế:  chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện; Chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung, nên chưa tạo ra được vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn. Một số mô hình tuy đã được được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chưa đồng bộ nên việc đầu tư thâm canh cho sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn; tập quán canh tác và nhận thức của một bộ phận nông dân về sản xuất hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến còn chưa cao…
 
Để khắc phục những hạn chế, phát huy hiệu quả sử dụng đất đai và khai thác những tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương, huyện Thạch Thất đã xây dựng và triển khai đề án mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển và nhân rộng thêm các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao: 4 vùng sản xuất lúa tập trung gắn với cơ giới hóa đồng bộ, 3 vùng sản xuất rau an toàn, 01 vùng trồng hoa, 4 vùng cây ăn quả và một số mô hình trong chăn nuôi gia súc, gia cầm,...Phấn đấu mức tăng trưởng sản xuất nông nghiệp hàng; năm đạt từ 4,8 -5%, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản năm 2020 đạt 1.662.258 triệu đồng.
 
Theo đó, cùng với việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, tổng kết nhân rộng những mô hình hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các quy hoạch của Trung ương, thành phố, nhất là các quy hoạch ngành nông nghiệp như: Quy hoạch vùng sản xuât lúa chất lượng cao, vùng rau, quy hoạch thủy sản, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch ngành chăn nuôi gắn với các quy hoạch của huyện như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện, quy hoạch Nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... đã được phê duyệt.
 
Tiếp tục hợp tác với các Viện nghiên cứu khoa học, trường đại học, trung tâm khuyến nông, các trung tâm giống để tranh thủ tối đa, tiếp thu sớm nhất các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đưa vào sản xuất trên địa bàn huyện theo hướng đi tắt đón đầu. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên ngành của Thành phố để tiếp nhận các dự án mô hình khảo nghiệm trình diễn góp phần đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, huyện cũng sẽ tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn chất lượng nông lâm thủy sản; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ, nguồn vốn; thu hút các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t