Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I/2025; phương hướng nhiệm vụ quý II/2025.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, đồng chí Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng đại diện một số sở, ngành tham dự.
Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện các luật mới về trật tự, an toàn giao thông.
Do đó, Hội nghị không chỉ sơ kết công tác quý I/2025, mà cần nhìn lại toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian qua; tập trung phân tích những tồn tại, yếu kém, xác định nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể, từ đó, xây dựng phương hướng nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2025, thậm chí một số việc cần định hướng tới năm 2026, với tiến độ, giải pháp và phân công rõ ràng.
"Nhiệm vụ đặt ra rất rõ ràng. Đó là phải kéo giảm thực chất số vụ tai nạn giao thông. Những con số về tai nạn, thương vong, thiệt hại tài sản... là thách thức trực diện đối với công tác bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân; ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta cần đổi mới tư duy, phương pháp để công việc thực sự đi vào thực chất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đang có sự sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, các mô hình ủy ban phối hợp liên ngành như Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng cần được rà soát, điều chỉnh để hoạt động đảm bảo thực chất, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và hiệu quả. Đặc biệt, các bộ, ngành thành viên Ủy ban cần xác định rõ vai trò của người trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách, "không thể xem đây là tổ chức tư vấn, họp rồi để đó".
Quang cảnh Hội nghị
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Lê Kim Thành cho biết, quý I/2025 là giai đoạn đầu tiên triển khai các quy định mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông Đường bộ, Luật Đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Các bộ, ngành đã triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp trong Luật, văn bản dưới luật và đạt được nhiều kết quả rất tích cực.
Trong quý I/2025, toàn quốc xảy ra 4.760 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.615 người, bị thương 3.186 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 1.833 vụ (-27,8%), giảm 215 người chết (-7,6%), giảm 2.003 người bị thương (-38,6%); công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp cao điểm 30/4-1/5 đã có nhiều kết quả tích cực. Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí; số vụ vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, tiếp tục giảm.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng...) đã báo cáo, phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chính gây ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người thương vong.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tham luận tại điểm cầu thành phố Hà Nội
Tham luận tại điểm cầu thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, thành phố Hà Nội có trên 8 triệu dân với khoảng hơn 9,2 triệu phương tiện các loại cộng với hơn 1,2 triệu phương tiện cá nhân từ các địa phương khác lưu thông hằng ngày, đang gây quá tải hạ tầng giao thông Thành phố.
Ngoài ra, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân 4 - 5%/năm cao hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông 0,35%/năm, cùng với ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm pháp luật trật tự, an toàn giao thông, là những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.
Để bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, Thành phố chủ động triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, để khép kín các tuyến đường vành đai, các tuyến quốc lộ hướng tâm; đầu tư 7 cầu lớn qua sông Hồng; đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.
Trong đó, dự án đường Vành đai 4 cơ bản hoàn thành trong năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027; tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính sẽ khởi công ngày 17/5; cầu Tứ Liên khởi công ngày 19/5; các cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi sẽ lần lượt khởi công ngày 19/8 và 2/9/2025.
Giai đoạn 2025-2030, Thành phố sẽ đầu tư hơn 100km đường sắt đô thị. Trong đó, các tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Văn Cao - Hòa Lạc đang chuẩn bị đầu tư, phấn đấu khởi công trong năm 2025.
Ngoài ra, các tuyến hạ tầng giao thông khung như quốc lộ 6, nút giao Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long, đường trục phía Nam, đường Vành đai 3 phía Bắc đang khẩn trương triển khai theo tiến độ yêu cầu.
Bên cạnh việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, trợ giá vé cho hành khách, Thành phố đã ban hành nghị quyết triển khai vùng phát thải thấp; phê duyệt đề án và đang chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh; triển khai đề án xe đạp công cộng; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển phương tiện và hạ tầng giao thông xanh, khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện giao thông xanh, sạch.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Thành phố đã xử lý được 2/37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông; điều chỉnh tổ chức giao thông tại 68 vị trí; ban hành 41 thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông; xử lý ùn tắc giao thông tại 96 cổng trường học trong khu vực nội thành; rà soát điều chỉnh toàn bộ những bất cập về đèn tín hiệu, hệ thống biển báo giao thông trên toàn địa bàn Thành phố. Trong quý I/2025, trên địa bàn Thành phố xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm chết 177 người, bị thương 199 người. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 81 vụ (-20,93%), tăng 1 người chết (+0,57%), giảm 115 người bị thương (-36,62%).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là "cuộc chiến" cần được triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
"Mặc dù các tiêu chí (số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương) giảm nhưng con số thiệt hại về người, tài sản vẫn ở mức kinh khủng, gây tổn thương tinh thần lâu dài cho các gia đình và xã hội. Cùng với đó, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông cũng là những vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết dứt điểm", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và mong muốn "các thành viên của Ủy ban phải là những người trăn trở nhất, suy nghĩ nhiều nhất và hành động quyết liệt nhất. Cuộc chiến này nhất định phải thắng".
Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện: Kéo giảm tai nạn giao thông trên tất cả các lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không); chống ùn tắc giao thông; giải quyết ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông. Cùng với đó, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đường thủy, đường bộ và hàng không, đặc biệt là tách bạch quản lý nhà nước về hàng không và an ninh hàng không; luật hóa trách nhiệm của các chủ đầu tư hạ tầng giao thông, đơn vị vận tải, chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng quy hoạch hạ tầng giao thông quốc gia, bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hạ tầng, thông tin tín hiệu, điểm dừng đỗ, điểm cấp năng lượng xanh; xem xét, thống nhất lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hạ tầng và triển khai khắc phục các tồn tại hiện nay.
"Khẩn trương xử lý các "điểm đen" giao thông, nhất là các giao cắt đường bộ - đường sắt và các điểm đen do thiết kế hoặc công trình khác. Phải hoàn thành việc xử lý các điểm đen trong năm nay", Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ; đồng thời yêu cầu phối hợp với các địa phương đề xuất giải pháp khuyến khích đầu tư phương tiện công cộng và giảm phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường kiểm tra xử lý các tồn tại, bất cập về hạ tầng do công trình, biển báo gây mất tập trung, nơi cho dừng đỗ xe gần khu dân cư; các điểm trông giữ xe trái phép.
Về giảm ô nhiễm môi trường do khí thải phương tiện giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy chuẩn khí thải đối với các phương tiện đang lưu hành, để thực hiện đồng thời với quy chuẩn khí thải đối với phương tiện nhập khẩu và sản xuất trong nước của Bộ Xây dựng. Các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn cao hơn, cơ chế đặc thù về thuế, phí, hạn ngạch phương tiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh; đồng thời rà soát quy định đối với học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện, yêu cầu các em phải có kiến thức pháp luật và nhận thức rủi ro như người điều khiển xe máy thông thường.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức pháp luật cũng như nguy cơ khi tham gia giao thông hàng ngày.
Các địa phương, đặc biệt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung xử lý các "điểm đen" thuộc phạm vi quản lý của địa phương, đưa vào dự án và bố trí ngân sách xử lý dứt điểm; đồng thời kiểm tra các điểm trông giữ xe, đặt biển quảng cáo gây mất an toàn giao thông…
"Các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt cao nhất để tạo chuyển biến thực chất trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian ngắn nhất", Phó Thủ tướng yêu cầu.