Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Cùng dự Hội nghị còn có đại diện Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện UBND các quận, huyện, thị xã; đại diện Ban Giám hiệu một số trường đại học, cao đẳng, trường nghề cùng Hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mạng lưới trường, lớp phát triển đồng bộ, đa dạng
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, 100% các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Một trong những kết quả nổi bật trong 7 năm thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” là mạng lưới trường, lớp phát triển đồng bộ, đa dạng. Năm 2025, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 1.160 trường mầm non, chiếm khoảng 1/10 tổng số trường mầm non toàn quốc. So với năm 2018, thời điểm bắt đầu triển khai Đề án, số trường mầm non công lập tăng 37 trường, giảm 307 điểm trường lẻ, sáp nhập 28 trường có quy mô nhỏ.
Nhiều địa phương đã thực hiện hiệu quả việc tinh gọn mạng lưới điểm trường, tiêu biểu là các huyện Thạch Thất, Phú Xuyên - mỗi huyện giảm 21 điểm trường; huyện Quốc Oai giảm 20 điểm trường. Các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai đã sáp nhập hiệu quả nhiều trường nhỏ.
Đáng chú ý, một số huyện như Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì và Mỹ Đức đã chủ động quy hoạch các khu đất có diện tích lớn (trên 10.000 m²/trường) để đầu tư xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn. Đây là giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đồng thời phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cùng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội trao khen thưởng cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc
Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước xây dựng mô hình trường mầm non chất lượng cao, thể hiện định hướng đổi mới, tiên phong và hội nhập quốc tế của Thủ đô trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
Hà Nội cũng là điểm sáng trong việc thực hiện Đề án, với tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp vượt 15,2%, trẻ mẫu giáo ra lớp vượt 3,6% so với mục tiêu. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi của Thành phố ra lớp đạt 100%, khẳng định chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi một cách bền vững, tạo tiền đề hướng tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi.
Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này. Tính đến nay, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của toàn Thành phố đạt 59,1%, vượt 9,1%; trong đó khối công lập đạt 83,6%.
Hội nghị cũng được nghe chia sẻ kinh nghiệm của một số đơn vị trong việc xây dựng mô hình trường mầm non chất lượng cao; tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…
Ổn định chất lượng khi chuyển đổi mô hình quản lý
Ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non nói chung và trong việc thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” của ngành Giáo dục Hà Nội nói riêng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà khẳng định: Thành phố Hà Nội xác định giáo dục mầm non là nhiệm vụ chiến lược, nền tảng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Giai đoạn 2018-2025, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để phát triển giáo dục mầm non, như Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ trang thiết bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; Đề án đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức Thành phố giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên…
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, những quyết sách lớn này của Thành phố đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp cũng như chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Con số 62.000 tỷ đồng dành cho giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố Hà Nội đối với thế hệ mầm non.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
Ghi nhận những kết quả nổi bật, đồng chí Vũ Thu Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận cấp học mầm non còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp còn thấp ở một số quận, huyện; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ còn có sự chênh lệch ở các địa bàn; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số huyện…
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, việc thực hiện chính quyền 2 cấp đặt ra yêu cầu rất cao trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành Giáo dục Thủ đô cần rà soát tổng thể các nội dung, nhiệm vụ, tham mưu Thành phố hướng dẫn trách nhiệm của bộ máy chính quyền cơ sở, đặc biệt là vai trò chủ động của Hiệu trưởng nhà trường, bảo đảm không để gián đoạn công việc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới.
Đồng chí Vũ Thu Hà cũng yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên Thủ đô thể hiện vai trò tiên phong, góp phần đưa chất lượng giáo dục mầm non nói riêng và giáo dục của Thủ đô nói chung đạt kết quả cao, toàn diện trong thời gian tới.