Quận Long Biên (08:34 27/02/2017)


HNP - Quận Long Biên ngày nay được vinh dự mang tên một địa danh ra đời từ Thời Lý (Sách Đại Nam Nhất Thống Chí) “Đất Rồng Long Biên” là nơi gặp nhau của hai dòng sông huyết mạch: Sông Cái (Hồng Hà) và Sông Đuống (Thiên Đức), chính giữa tam giác Châu thổ Sông Hồng. Ngược dòng lịch sử, vào giai đoạn bắt đầu hình thành xã hội văn minh, trên đất cổ Long Biên sẽ thấy được rất nhiều chứng tích quan trọng của việc lập cư và tham gia vào quá trình dựng nước, giữ nước đầu tiên ở thời đại Hùng Vương - Văn hoá Đông Sơn. 


Thông tin chung
 
- Đơn vị: Quận uỷ-HĐND-UBND quận Long Biên 
- Địa chỉ: Số 1 Vạn Hạnh, quận Long Biên, TP Hà Nội.
- Điện thoại: (043) 8724033
- Diện tích: 6.038,24 ha với trên 190.000 nhân khẩu, 
- Mật độ dân số bình quân 2,83 nghìn người trên km2.
- Các đơn vị hành chính: 14 đơn vị hành chính trực thuộc. Đó là các phường: Cự Khối, Thạch Bàn, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang với 305 tổ dân phố.
 
Lịch sử hình thành và phát triển
 
Vùng đất Long Biên tự hào với tên tuổi Thái uý Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt. Ông vốn là người phường Cơ Xá, sau chuyển sang bờ bắc sông Hồng (nay thuộc phường Ngọc Thuỵ). Chiến công oanh liệt trên sông Như Nguyệt và sự nghiệp phá Tống của Ông đã làm chói lọi lịch sử dân tộc Việt Nam chống ngoại xâm. Bài thơ thần của Ông được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.
 
Rất nhiều di tích lịch sử – văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị, giàu truyền thống nhân văn được lưu giữ, bảo tồn trong nhân dân gắn với những nhân vật lịch sử đã trở thành các vị Thành Hoàng làng. Trong đó  phải kể đến :  Làng cổ Tử Đình (nay thuộc phường Long Biên) có lịch sử tồn tại rất lâu đời, gần 2000 năm về trước. Hiện thờ danh tướng Thành Công Tương Liệt, sau khi tham gia đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược, Ông đã được Hai Bà Trưng phong cho thực ấp. Khi qua trang Cổ Linh thấy phong cảnh hữu tình, dân chúng cần cù làm ăn, tướng Thành Công đã ở lại Cổ Linh và xây đền thờ sống của ông (Sinh Từ) tại thôn Tử Đình. Sau này Ông hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhà Hán, cả 5 thôn trong xã Cổ Linh đều thờ Ông là Thành Hoàng bản thổ.
 
Thời Hai Bà Trưng còn có danh tướng Khoả Ba Sơn được nhân dân Xuân Đỗ Hạ (Cự Khối) tôn thờ làm Thành Hoàng làng tại Đình Xuân Đỗ Hạ. Sau khi đánh đuổi giặc Tô Định, Ông kéo quân về vườn Hồng tại trang Hoa Động khao quân, sau tiệc khao quân, Ông tự hoá. Nhân dân nơi đây tưởng nhớ công lao của Ông mà lập đền thờ.
 
Tại thôn Tình Quang (Giang Biên) có đình thờ Lý Bí, vị anh hùng thế kỷ thứ VI, phất cao ngọn cờ khởi nghĩa chống quân Lương xâm lược. Khởi nghĩa thắng lợi, Ông dựng lên Nhà nước Vạn Xuân với hàm nghĩa một đất nước trường tồn mãi mãi và là Người định hướng đầu tiên định đô ở Thăng Long.
 
Đình Lệ Mật thờ Ông Hoàng Quý Công đã có công cứu xác công chúa nhà Lý, khi được Vua ban lộc chỉ xin phân binh lập trại cày cấy làm ăn và lập 13 làng trại ở phía Tây kinh thành Thăng Long.
 
Tại Ngọc Trì - Cự Linh (Thạch Bàn) có Đền thờ Trấn Vũ. Truyền thuyết kể rằng khi Vua Lê đi trinh phạt phương Nam có qua Cự Linh. Đêm Vua được Thánh tổ ứng mộng bèn cho xây một ngôi Quán tại đây. Trong Đền hiện có Pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng, cao 3,8m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, được đúc vào năm 1788, đây là một công trình độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng đạt trình độ cao.
 
Doanh Bồ Đề, năm 1426 là nơi được Bình Định Vương Lê Lợi và Nguyễn Trãi chọn làm đại bản doanh chỉ huy việc bao vây và chuẩn bị cuộc tấn công vào Thành Đông Quan. Nơi đây Nguyễn Trãi đã thảo nhiều bức thư gửi Vương Thông phân tích điều hơn lẽ thiệt, thu phục nhân tâm, khoét sâu vào những điểm yếu của kẻ thù, đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống quân xâm lược mau đến thắng lợi.
 
Đình Thanh Am (Thượng Thanh) thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm Ất Mùi (1535), Ông đỗ Trạng nguyên dưới triều Mạc. Ông nổi tiếng là một bậc tôn sư trọng đạo, được cả nước kính nể. Ông để lại cho đời sau biết bao nhiêu áng văn thơ kiệt xuất và cả một kho “Sấm ký”…
 
Và còn nhiều di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn ghi đậm truyền thống yêu nước, phản ánh quá trình lịch sử phát triển của vùng đất quê hương Long Biên. Đó là những di sản tinh thần vô giá được gìn giữ và phát huy qua các thế hệ. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp người đi trước, trong trường kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, đặc biệt từ khi có Đảng, người dân Long Biên đã sớm giác ngộ Cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ.  Ngay từ tháng 8/1929 đã có Chi bộ Cộng sản được thành lập tại Nhà máy gạch Hưng Ký (Cầu Đuống), sau đó được phát triển tại Nhà máy Xe lửa Gia lâm năm 1930 và các địa bàn khác…Trong những năm 40 thế kỷ XX phong trào đấu tranh của nhân dân Long Biên đã được phát triển mạnh mẽ. Vào thời điểm này, tự vệ phố Gia Lâm đã tước súng của Tri phủ Gia Lâm Nguyễn Ngọc Kiểm và của binh lính giữ phủ. Sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, lực lượng tự vệ Cách mạng chiếm phủ lỵ Gia Lâm ở Trường Lâm (Việt Hưng). Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Việt Minh thị xã Gia Lâm tuyên bố giải tán Hội đồng thị xã và cử ra một Uỷ ban nhân dân Cách mạng do đồng chí Đặng Đình Thức làm Chủ tịch…
 
Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ anh dũng của dân tộc, các địa danh của Long Biên gắn với những tên gọi “Đại đội Hồng Hà”  “Sóng sông Hồng” “Lửa phi trường” “Sấm đường 5” “Du kích Ngọc Thuỵ”… luôn làm kẻ thù khiếp sợ. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất phục vụ chiến đấu, nhân dân và du kích các địa phương Ngọc Thuỵ, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối, Thị trấn Gia Lâm, Giang Biên, Gia Thuỵ, Thượng Thanh, Việt Hưng, Hội Xá… đã cùng với bộ đội chủ lực lập nên những chiến công vang dội.
 
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, trong sau 60 ngày đêm đầu kháng chiến, Quân và Dân Long Biên cùng với quân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến rút an toàn ra hậu phương. Tiểu đội chiến đấu Phúc Xá (Ngọc Thụy) và tự vệ vùng ven đã đưa 2.000 chiến sỹ và nhân dân từ liên khu I rút qua gầm cầu dọc theo bãi giữa dài hàng chục km sang Đông Anh an toàn, bí mật trong nửa đêm sáng ngày 17-18/2/1947. Khi biết ta rút quân, giặc Pháp cho ca nô, tàu chiến truy tìm, trên trời máy bay quần thảo và dùng pháo cối bắn vào những nơi chúng nghi ngờ… Để đảm bảo tuyệt đối cho Trung đoàn Thủ đô rút quân thắng lợi, Tiểu đội Nguyễn Ngọc Nại (Ngọc Thụy) đã chiến đấu, ngăn chặn lửa giặc, thu hút binh lực, hoả lực của địch về mình, 8 đồng chí đã hy sinh trong cuộc rút quân toàn thắng…
 
Năm 1953, sau thất bại liên tiếp trong các cuộc càn quét ở đồng bằng Bắc Bộ, quân Pháp quyết định triển khai kế hoạch Na Va. Sân bay Gia Lâm là điểm trung chuyển lính, súng đạn phục vụ cho chiến tranh ở Điện Biên Phủ. Cũng vào thời điểm này, Quân và Dân Long Biên được giao nhiệm vụ đặc biệt: Chuẩn bị tấn công sân bay Gia Lâm. Đêm mùng 3 rạng ngày 4/3/1954 đơn vị C26 mặt trận Hà Nội được sự hỗ trợ của du kích và nhân dân xã Long Biên đã đột nhập sân bay Gia Lâm, phá huỷ 18 máy bay, đốt cháy 01 kho xăng, diệt 16 tên địch, gây cho chúng khó khăn lớn trong việc tiếp tế bằng đường không cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta nhanh đến thắng lợi.
 
Ngày 20/7/1954, Hiệp Định Giơ-ne-vơ về lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, lực lượng của ta vào thị trấn Gia Lâm để ký với quân Pháp nhận bàn giao sân bay Gia Lâm và các cơ quan của quân Pháp trước khi tiến vào tiếp quản Thủ đô. Ngày 3 tháng 10 năm 1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, qua phố Gia Lâm xuống Hải Phòng. Chúng rút tới đâu cờ đỏ sao vàng tung bay trong tiếng reo hò của nhân dân tới đó.
 
Đồng chí Trần Văn Sơ là công an của ta ở thị trấn Gia Lâm nhảy lên bục ở ngã Ba, thay quân Pháp cầm lá cờ đỏ sao vàng hướng dẫn cho đồng bào và xe cộ qua qua lại.
 
Ngày 8/10/1954, ở phía Bắc, quân viễn chinh Pháp thu rút quân về điểm Dốc Lã, Dốc Vân… cách cầu Đuống khoảng 3km. Chiều tối ngày hôm đó, bộ phận quân ta vào tiếp quản đã bí mật chuyển tới Lệ Mật, Trường Lâm (Việt Hưng).
 
Cùng trong ngày lịch sử 10 tháng 10 năm 1954, một bộ phận nhân dân Long Biên, quận 8, đội ngũ chỉnh tề hùng dũng qua cầu Long Biên sang Hà Nội dự mít tinh mừng Thủ đô hoàn toàn giải phóng, đón nghe thư Bác Hồ.
 
Hoà bình lập lại ở miền Bắc, cùng với Thủ đô, nhân dân các địa phương trên địa bàn Long Biên vượt qua những khó khăn, thách thức bước vào công cuộc cải tạo, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn lịch sử này, ngày 19 tháng 5 năm 1955 Long Biên đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Người động viên giáo dục công nhân “Các cô, các chú phải đoàn kết giữa công nhân cũ và công nhân mới. Muốn thi đua lao động sản xuất có hiệu quả, phải đoàn kết giúp đỡ nhau, phải phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho nhau”. Làm theo lời Bác, năm 1962, cán bộ công nhân Nhà máy đã có sáng kiến phát động phong trào thi đua “Ngày thứ 7 đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh thống nhất đất nước”.
 
Ngày 16/8/1956, sau 2 tháng đi vào hoạt động, Nhà máy Diêm thống nhất tự hào được đón Bác Hồ về thăm. Bác căn dặn công nhân phải ra sức làm cho Nhà máy phát triển và thưởng huy hiệu của Người cho các cô nuôi dạy trẻ của Nhà máy.
 
Ngày 18/2/1958, Bác Hồ đã về thăm và chúc Tết toàn thể nhân dân xã Việt Hưng tại Đình Trường Lâm. Bác đã căn dặn đồng bào phải đoàn kết, chăm lo chống hạn cứu lúa đồng thời ra sức thi đua sản xuất để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
 
Ngày 8/9/1958, Bác Hồ đã về thăm công trình thuỷ nông Gia Thượng (Ngọc Thụy). Bác nói “Đối với nông nghiệp thì biện pháp chăm lo thuỷ lợi là hàng đầu, có thuỷ lợi, có phân đủ, có sự chăm sóc cây lúa sẽ cho ta nhiều thóc…”. Sau đó Bác đi thăm hệ thống mương, cánh đồng Ngọc Thụy. Đến đoạn mương sát với Trường sĩ quan hậu cần (nay là Học Viện Hậu Cần), bộ đội ào ra đón Bác. Bác đi thăm nhà ăn, nhà bếp. Nhìn thấy vườn rau trồng quanh bếp, Bác khen và căn dặn phải trồng nhiều, trồng hết đất, phải chăn nuôi để cải thiện. Bác đến đột xuất, lại vào ngày nghỉ, Bác nói chuyện với mọi người ngay ở sân hội trường.
 
Ngày 08/01/1959, Bác Hồ về thăm Xưởng May 10. Bác đi thăm khu sản xuất trước, sau đó Bác đi qua khu nhà ở rồi đến nhà trẻ, cuối cùng mọi người tập trung tại nhà ăn - hội trường để nghe Bác nói chuyện. Đi đến phân xưởng nào, Bác cũng hỏi thăm cán bộ công nhân và căn dặn là phải hăng hái thi đua sản xuất. Sau chuyến thăm, ngày 24/2/1959, Bác đã có thư gửi công nhân, chiến sĩ, nhân viên và cán bộ Xưởng May 10, trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng các Cô, các Chú có tiến bộ khá về: Đoàn kết thân ái, Liên tục thi đua, cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quản lý xí nghiệp…”. Trong thư, Bác đã ghi nhận tấm lòng của đơn vị đã gửi tặng Bác bộ quần áo, nhưng Bác xin tặng lại để Xưởng dùng làm giải thưởng cho người có thành tích trong thi đua…
 
Khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Long Biên luôn đi đầu trong các phong trào: đóng thuế, tuyển quân với quyết tâm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong những năm 1966, 1972, Kho xăng Đức Giang là một trong những mục tiêu bắn phá của đế quốc Mỹ, không những nhằm triệt phá một cái “túi” nhiên liệu chiến lược mà còn âm mưu là “răn đe Hà Nội”. Ngày 29/6/1966, máy bay Mỹ liên tiếp lao vào đánh phá Kho xăng Đức Giang làm Kho xăng bốc cháy. Bằng tinh thần yêu nước, lực lượng phòng cháy chữa cháy, công an, công nhân nhà máy và nhân dân trong vùng đã cứu được 23 triệu lít xăng. Bác Hồ đã gửi thư khen. Thư Bác viết “Trong việc phòng cháy, chữa cháy các đồng chí bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong điều kiện khó khăn”.
 
Ngày 11/8/1967, giặc Mỹ đánh phá hết sức quyết liệt vào cầu Long Biên. Các nhịp số 8, 10, 11, 14 bị hỏng nặng; nhịp 15 bị đứt hẳn. Ngay lập tức các lực lượng bảo đảm giao thông đã triển khai bến phà Bác Cổ - Phú Viên. Trong điều kiện nước sông Hồng lên to và địch liên tiếp bắn phá trong khu vực Hà Nội, cầu Phao Chương Dương được khẩn trương lắp đặt nhằm duy trì huyết mạch giao thông. Vị trí đầu cầu phía Bắc thuộc thôn Phú Viên xã Bồ Đề (nay thuộc tổ 4 phường Bồ Đề). Sau ngày thống nhất đất nước, cầu Phao Chương Dương tiếp tục xứ mệnh là huyết mạch giao thông để phát triển kinh tế - xã hội cho đến tận những năm 80 của thế kỷ XX.
 
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, Long Biên đã cung cấp sức người, sức của và tiễn đưa hàng nghìn lượt người con ưu tú lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và đã góp phần làm nên những chiến công vang dội. Long Biên có 3.469 người có công, trong đó có 36 “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, 17 cán bộ lão thành cách mạng, 247 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy, 1.257 Thương, Bệnh binh, 1.850 Liệt sĩ, 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và sản xuất, các đơn vị Thạch Bàn, Giang Biên, thị trấn Gia Lâm, Ngọc Thụy, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Công ty May 10, Xăng dầu Khu vực I, đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quí “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
 
Sau ngày toàn thắng, cùng với Thủ đô và cả nước trên khắp làng xóm, khối phố, nhân dân Long Biên hồ hởi, lạc quan dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuyển sang xây dựng xã hội mới trong điều kiện một Quốc gia thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và tự do. Hào khí và truyền thống giữ nước, dựng nước của ông cha tiếp tục được nhân lên gấp bội bằng những công việc, hành động cụ thể, quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ “Xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
 
Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Thành uỷ Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân Long Biên đã đoàn kết, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân. Kinh tế đi vào ổn định và phát triển có mức tăng trưởng khá. Sự nghiệp văn hoá - xã hội phát triển mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, đời sống nhân dân ngày được cải thiện và nâng cao. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Những kết quả trong công cuộc đổi mới, các đơn vị trên địa bàn quận: Công ty Cầu 12, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty May 10, Công ty May Đức Giang, đã được Đảng và Nhà nước tuyên tặng danh hiệu “ Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.
 
* Long Biên- Thành phố Hà Nội 
 
Long Biên dưới Thời Lý thuộc phủ Thiên Đức; Thời Trần, Lê thuộc Lộ Bắc Giang; Thời Hậu Lê thuộc phủ Thuận An; Thời Nguyễn thuộc trấn Bắc Giang và sau là tỉnh Bắc Ninh; Năm 1946 để chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đặc Khu Ngọc Thụy, được thành lập và nhập về tỉnh Hưng Yên. Nhưng đến cuối 1949, Đặc Khu Ngọc Thụy và huyện Gia Lâm nhập trở lại tỉnh Bắc Ninh. Khi tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954 Chính phủ ta đã cho thành lập Quận 8, thuộc Thành phố Hà Nội. Đến tháng 5/1961 có thêm một số xã của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên nhập về Hà Nội.
 
Ngày 6/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập Quận Long Biên thuộc Thành phố Hà Nội. Long Biên có Sông Hồng là giới hạn với quận Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Tây Hồ, Hai Bà Trưng; Sông Đuống là giới hạn với Huyện Gia Lâm, Đông Anh. Phía Đông giáp huyện Gia Lâm; phía Tây giáp quận Hoàn Kiếm, phía Nam giáp huyện Thanh Trì; phía Bắc giáp huyện Gia Lâm, Đông Anh.
 
Quận Long Biên có 1 vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của Hà Nội và đất nước. Nơi đây có các tuyến đường giao thông quan trọng như đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, đường không nối liền với các tỉnh phía bắc, đông bắc; có sân bay Gia Lâm, khu vực quân sự, nhiều khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài như: khu công nghiệp kỹ thuật cao Sài Đồng B, khu công nghiệp Sài Đồng A, nhiều công trình kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, cơ quan nhà máy, đơn vị sản xuất kinh doanh của Trung ương, Thành phố và địa phương. Đặc biệt với lợi thế vị trí cửa ngõ của Hà Nội, nối liền với trục tam giác kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, đồng thời cũng là trục kinh tế sôi động hội nhập nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Đó là những yếu tố cơ bản thuận lợi cho quận Long Biên phát triển nhanh, mạnh và bền vững về kinh tế- xã hội.
 
Ngay sau khi có Nghị định của chính phủ về thành lập Quận Long Biên, ngày 27/11/2003 Ban thường vụ Thành ủy đã ban hành quyết định số 271-QĐ/TU về việc thành lập Đảng bộ Quận Long Biên trực thuộc Thành phố Hà Nội và Quyết định số 2152/QĐ-TU ngày 19/12/2003 chỉ định Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Quận Long Biên.
 
Ngày 01/01/2004 Quận Long Biên chính thức đi vào hoạt động, phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của cha ông, Đảng bộ và nhân dân quận Long Biên nhất định vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết, nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng, viết tiếp những trang sử mới, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống hào hùng của mảnh đất Long Biên “Địa linh - Nhân kiệt”.

HNP - Tổng hợp


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t