Hà Nội tiếp tục điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch, không để diễn biến kéo dài (13:59 19/08/2024)


HNP - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội , trong tuần qua (từ ngày 9/8 đến ngày 16/8) toàn Thành phố ghi nhận 274 ca mắc Sốt xuất huyết; 41 ca mắc Tay chân miệng; 7 ca mắc Ho gà. Các dịch bệnh khác như Sởi, Viêm não Nhật Bản, Não mô cầu, Rubella… không ghi nhận trong tuần.

Nhân viên Trạm Y tế phường Việt Hưng, quận Long Biên tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho người dân


Cụ thể, trong tuần qua, Thành phố ghi nhận 274 ca mắc Sốt xuất huyết, 0 ca tử vong; tăng 86 trường hợp so với tuần trước (188/0). Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng. 
 
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân: Phương Đình, Đồng Tháp, Thượng Mỗ, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng; Dương Nội, Hà Đông; Liên Hiệp, Phúc Thọ. Cộng dồn năm 2024, Thành phố ghi nhận 2.050 ca mắc Sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023 (4.508/0).
 
Trong tuần ghi nhận 15 ổ dịch Sốt xuất huyết tại: Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ứng Hòa; tương đương so với tuần trước đó. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 87 ổ dịch, còn 28 ổ dịch đang hoạt động.
 
Theo CDC Hà Nội nhận định, đánh giá thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh; kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. 
 
Hà Nội ghi nhận 41 ca mắc Tay chân miệng, 0 ca tử vong; tăng 11 ca so với tuần trước (30/0). Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 1.818 ca mắc, 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (1.169/0). Trong tuần không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 41 ổ dịch, hiện còn 01 ổ dịch đang hoạt động tại Hải Bối, Đông Anh.
 
Dịch Tay chân miệng phần lớn là ca bệnh tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp; dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới khi các trường mầm non và tiểu học sẽ tiếp nhận trẻ đi học trở lại.  
 
Tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 7 ca mắc Ho gà, 0 ca tử vong, tăng 2 trường hợp so với tuần trước (5/0). Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 222 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã; 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023; chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
 
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch Sốt xuất huyết tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch; giám sát khu vực ổ dịch đang hoạt động tại Thanh Trì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Hà Đông.
 
Từ đầu năm đến nay, Thành phố cũng ghi nhận 6 ổ dịch Dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn. Đã ghi nhận chó dại cắn người nên nguy cơ có thể ghi nhận ca bệnh Dại trên người trong thời gian tới nếu người dân không thực hiện đầy đủ các biện pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm theo khuyến cáo của ngành Y tế. 
 
Phun hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội
 
Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục giám sát khu vực ổ dịch Sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ tại: Văn Tự - Thường Tín; Phương Đình - Đan Phượng; Phú Túc - Phú Xuyên; Thanh Lương - Hai Bà Trưng; Thanh Cao - Thanh Oai; Cộng Hòa - Quốc Oai; Hữu Bằng - Thạch Thất.
 
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch Sốt xuất huyết; tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài; thường xuyên chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao.
 
Đồng thời, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh, triển khai các hoạt động xử lý dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch. Phối hợp với ngành Thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh Dại trên động vật; triển khai hoạt động liên ngành về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
 
Ngoài ra, các Trung tâm Y tế cần tăng cường truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, Ho gà, Sởi, Viêm não Nhật Bản, Tay chân miệng… Với các bệnh có vắc xin thì khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Phạm Linh


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t