Khắc phục tình trạng chồng chéo, đảm bảo yêu cầu thực tiễn của Tổ bảo vệ an ninh trật tự (17:25 05/06/2024)


HNP - Ngày 5/6, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định tiêu chí thành lập và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn Thành phố.

Quang cảnh Hội nghị


Báo cáo Dự thảo Nghị quyết, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn Thành phố. Đối tượng áp dụng là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội trình bày dự thảo Nghị quyết
 
Theo đó, mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, mức 2.520.000đ/người/tháng (tương đương 1,4 mức lương cơ sở); hỗ trợ đóng BHXH, BHYT hằng tháng cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm: Hỗ trợ đóng BHXH, mức 234.000đ/người/tháng (tương đương 13% mức lương cơ sở); hỗ trợ đóng BHYT hàng tháng, mức 54.000đ/người/tháng (tương đương 3% mức lương cơ sở); Hỗ trợ chức danh đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ thêm 300.000đ/người/tháng, đối với Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự hỗ trợ thêm 200.000đ/người/tháng.
 
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ, bồi dưỡng người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động; khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng, mức hỗ trợ 100.000đ/người/ngày.
 
Phát biểu ý kiến đóng góp, ông Vũ Thành Vĩnh, Thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng cần đánh giá sâu hơn những tồn tại, hạn chế và bất cập của 3 lực lượng trước đây. Từ đó, làm rõ sự cần thiết phải kiện toàn, sát nhập làm tinh gọn đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo; đồng thời, đảm bảo chế độ chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố được tốt hơn, phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thực tế địa phương và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại chỗ. 
 
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo phát biểu ý kiến
 
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo cho rằng, qua tham chiếu mức hỗ trợ của Hà Nội với thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy mức hỗ trợ của Hà Nội là phù hợp với quy định của Chính phủ và điều kiện thực tế, khả năng ngân sách và đặc điểm kinh tế - xã hội của Thủ đô. Có hỗ trợ trách nhiệm theo chức danh là phù hợp. Tuy nhiên, ông cho rằng Dự thảo chưa đạt được yêu cầu giảm đầu mối chi ngân sách, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng, giảm số lượng. "Chính phủ đã và đang giảm bớt đơn vị hành chính và số lượng cán bộ công chức nhưng Nghị quyết này số lượng các chức danh và số lượng thành viên lại không thay đổi", ông Phạm Ngọc Thảo lưu ý.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị tham mưu soạn thảo. Theo đó, các nội dung được chuẩn bị kỹ, trên cơ sở căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn. Từ đó, đảm bảo các quy định của pháp luật về nguyên tắc, phương pháp xây dựng tiêu chí thành lập và số lượng thành viên, mức chi hỗ trợ tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Theo đồng chí Nguyễn Lan Hương, hầu hết các ý kiến đều tán thành việc ban hành tờ trình và dự thảo Nghị quyết là cần thiết. Cơ sở pháp lý của dự thảo đúng thẩm quyền ban hành của HĐND Thành phố, cơ sở thực tiễn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. 
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị, trên cơ sở các ý kiến, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 34/2026/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Còn về tiêu chí, số lượng lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, đối với các tổ dân phố ở các quận nội thành có mật độ dân số đông có thể nghiên cứu 2-3 tổ dân phố để thành lập 1 tổ bảo vệ số với lượng thành viên tăng hoặc giảm theo số lượng nhân khẩu để đảm bảo cải cách hành chính, giảm chi ngân sách.
 
“Về mức hỗ trợ chi, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra các mức hỗ trợ thành tỷ lệ chung của mức lương để tránh việc phải ban hành Nghị quyết mới khi có sự thay đổi về chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, đề nghị Sở Tài chính cân đối giữa ngân sách Thành phố và ngân sách các quận, huyện, đặc biệt là những huyện có khó khăn chưa cân đối được giữa thu và chi để hỗ trợ đầy đủ, kịp thời khi Nghị quyết có hiệu lực…”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t