Năm 2017: Ngành Y tế nỗ lực phòng, chống dịch bệnh (15:06 31/01/2018)


HNP - Năm 2017, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bùng phát sớm hơn mọi năm. Song, với quyết tâm cao, TP Hà Nội đã khống chế được dịch sốt xuất huyết nói riêng và phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh nói chung.

Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại huyện Thanh Oai


Năm 2017, ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, các dịch bệnh khác cơ bản được kiểm soát tốt, không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (nhóm A), hầu hết các bệnh truyền nhiễm có số mắc tương đương hoặc giảm như: viêm não Nhật Bản, não mô cầu, tay chân miệng, dại, rubella… Cụ thể, có 37.651 trường hợp sốt xuất huyết Dengue, phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 7 trường hợp tử vong tại: Trung Liệt, Quốc Tử Giám - Đống Đa; Thanh Xuân Trung - Thanh Xuân; Cống Vị - Ba Đình; Thịnh Liệt, Giáp Bát - Hoàng Mai; Quang Trung - Hà Đông. Các dịch bệnh khác bao gồm: 83 ca mắc sởi với 1 ca tử vong; 125 ca mắc ho gà với 1 ca tử vong; 23 ca mắc liên cầu lợn và 4 ca tử vong; 21 ca mắc uốn ván; 763 ca tay, chân, miệng; 2 ca mắc não mô cầu; 9 ca mắc viêm não Nhật Bản; 2 ca mắc dại với 2 trường hợp tử vong tại Ba Vì và Quốc Oai, những trường hợp mắc đều bị chó lạ cắn, sau đó không đi tiêm phòng huyết thanh và vắc xin phòng bệnh.
 
Trước diễn biến của dịch bệnh trên thế giới và tại địa phương như bệnh do vi rút cúm A/H7N9, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (Mers-CoV), sốt xuất thuyết, sởi, ho gà… Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo chủ động tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch gây ra bởi virut cúm A/H7N9, sốt xuất huyết, sởi, ho gà. Chỉ đạo tiến hành điều tra, xử lý dịch tại khu vực có bệnh nhân hoặc ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản… nhằm không để lây lan, bùng phát dịch. 
 
Song song với đó, hệ thống giám sát và xử lý dịch bệnh được Thành phố chú trọng góp phần chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh cũng như phát hiện sớm các ca bệnh, ổ bệnh. Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng của Thành phố đã thực hiện 3.897 mẫu xét nghiệm chuẩn đoán dịch các loại. Đồng thời, duy trì hoạt động 5 đội phòng chống dịch cợ động Thành phố và ở mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội được trang bị đầy đủ các phương tiện để sẵn sàng cơ động dập dịch. Các đội này đều đã được huấn luyện, đào tạo về an toàn sinh học trong phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. 
 
Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên. Kết quả, số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin và phụ nữ có thai tiêm vắc xin uốn ván tiếp tục được duy trì với tỷ lệ cao. Bao gồm, 128.038 trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt 97,9% và 132.153 phụ nữ có thai được tiêm phòng, đạt 99%. Ngoài ra, nhờ tổ chức tốt công tác rà soát và tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ dưới 5 tuổi, nên đến thời điểm này, 99,2% trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi đã được tiêm sởi mũi 1 và 98,4% trẻ từ 18 tháng đến dưới 5 tuổi đã được tiêm sởi mũi 2 theo quy định… Qua đó, đã góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
 
Riêng với dịch sốt xuất huyết Dengue, ngay sau khi ghi nhận số ca mắc liên tục gia tăng và sớm hơn so với chu kỳ hàng năm, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng hưởng ứng phòng, chống dịch bệnh. 30 quận, huyện, thị xã cũng đồng loạt tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy trong tháng 5, 6 theo kế hoạch đã xây dựng. Kết quả trong năm qua, đã tổ chức được 787 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các quận, huyện, thị xã; hơn 2 triệu lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy, đạt 94,8%; đã kiểm tra hơn 3 triệu dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, công trường… Chiến dịch đã huy động được 86.584 lượt người tham gia; trong đó, có 11.479 cán bộ Y tế, 16.190 người dẫn đường, 56.964 lực lượng khác tại cộng đồng…
 
Theo dự báo của ngành Y tế, năm 2018, dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút zika, tay chân miệng, sởi, ho gà… vẫn là thách thức trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, dịch bệnh do cúm A/H5N1, tiêu chảy cấp do vẩy khuẩn tả có thể bùng phát trở lại. Thêm vào đó, trước sự giao lưu quốc tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, năm 2018 có thể Hà Nội sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh dịch mới xâm nhập từ các nước trên thế giới như: bệnh do vi rút Cúm A/H7N9, Ebola, Mers-CoV… Do đó, ngành Y tế xác định cần chủ động xây dựng kết hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố ngay từ những tháng đầu năm 2018. 
 
Đồng thời, chủ động dự báo tình hình để ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, ổ bệnh…). Tiếp tục triển khai chương trình tiêm phòng mở rộng đảm bảo an toàn tiêm chủng, nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước sinh hoạt và đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t