Quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm: Vẫn bỏ trống môi trường (10:29 01/11/2017)


HNP - Ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng trầm trọng. Nguồn chất thải vượt quá khẳng năng chịu đựng đã gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước, không khí, đe dọa sức khỏe người dân. Vấn đề đặt ra, phải có giải pháp quản lý, xử lý môi trường chăn nuôi và hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.

Sức ép lớn cho môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa khảo sát tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố cho thấy: Hà Nội vẫn duy trì đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nước với 1,98 triệu con gia súc, 28,9 triệu con gia cầm; sản lượng thịt xuất chuồng khoảng 332,3 nghìn tấn thịt gia súc, 85,9 nghìn tấn thịt gia cầm; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 53,7% giá trị GDP trong nông nghiệp của thành phố.

Nhằm nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững, Hà Nội đã tập trung phát triển chăn nuôi theo quy hoạch. Đến nay, đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt; 4 vùng chăn nuôi lợn; 9 vùng chăn nuôi gia cầm với gần 2.000 trang trại. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: đàn gia súc, gia cầm của thành phố có tăng về quy mô và số lượng, nhưng tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khá cao. Chỉ có 14,3% trang trại thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; 3,2% chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải. Số còn lại có xử lý chất thải nhưng chủ yếu chỉ xây hầm biogas, ủ làm phân bón và một số ít sử dụng chế phẩm sinh học khác. Còn chăn nuôi nông hộ thì hầu như không áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý chất thải nào mà xả thẳng vào hệ thống thoát nước.

Do chăn nuôi còn nặng tính tự phát, nên việc quản lý và xử lý chất thải vật nuôi đang gặp nhiều khó khăn. Thông thường, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ủ một phần chất thải vật nuôi làm phân bón cho cây trồng hoặc dùng để nuôi cá, còn lại xả trực tiếp ra kênh mương, ao, hồ, cống rãnh thoát nước. Hệ luỵ, môi trường bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Hiện nay, ở ngoại thành, không ít những con mương hoặc ao hồ đen ngòm nước thải cùng mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn do chăn nuôi gia súc gia cầm ngay gần nơi người dân sinh sống và làm bùng phát các ổ dịch như lở mồm long móng, tai xanh trên đàn gia súc...

Giải pháp

Giải pháp phù hợp để xử lý môi trường chăn nuôi là ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng cách xây dựng và lắp đặt hệ thống Biogas. Công nghệ này vừa hiệu quả, dễ thực hiện, chi phí thấp. Chỉ cần diện tích từ 10 đến 20m2 tuỳ theo quy mô chăn nuôi của từng hộ dân là có thể lắp đặt hệ thống hầm khí xử lý chất thải vật nuôi phục vụ cho việc đun nấu và chạy máy phát điện. Ngoài ra lượng chất cặn, nước thải từ hầm biogas sau quá trình phân huỷ dùng để tưới, bón cho cây trồng, tạo ra sản phẩm an toàn vì đã hạn chế được việc sử dụng phân hoá học, đồng thời, những vi sinh vật có khả năng lây bệnh cho người đã bị tiêu diệt. Thế nhưng, do thiếu sự quan tâm từ nhiều phía, kể cả bản thân hộ chăn nuôi nên chưa tận dụng được nguồn khí sinh học này.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, mặc dù nhận rõ hiệu quả và đầy tiềm năng để phát triển hầm khí xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhưng số lượng phát triển quá thấp so với số hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn. Nhất là trong bối cảnh người chăn nuôi đang gặp khó khăn như hiện nay, việc lắp đặt hệ thông khí sinh học sẽ khó khả thi. Trong khi đó, cơ chế, chính sách của thành phố chỉ hỗ trợ cho chăn nuôi xa khu dân cư. Ngoài ra, hiện nay công nghệ xây dựng hệ thống khí sinh học chưa được phổ biến nên nhiều hộ dân chưa có điều kiện vẫn không biết tiếp cận như thế nào.

Bên cạnh nhức nhối nêu trên, về ý thức chấp hành pháp luật về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người hoạt động buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm cũng chưa tự giác, thậm chí là tuỳ tiện. Thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó: Số cơ sở giết mổ được kiểm soát 116 cơ sở gồm 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 2 cơ sở giết mổ thủ công tập trung và 92 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Số còn lại  chưa được kiểm soát hầu hết là những điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư, không có đăng ký kinh doanh, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Từ khảo sát thực tế tình hình xử lý môi trường trong chăn nuôi và hoạt động giết mổ gia súc gia cầm, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi tác dụng của việc lắp đặt, xây dựng công trình hầm khó biogas xử lý môi trường chăn nuôi. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo quy hoạch phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại chăn nuôi xa khu dân cư, thực hành chăn nuôi tốt VietGap, gắn chăn nuôi với môi trường bảo vệ sinh thái; có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, thuế; tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp gây ô nhiễm môi trường...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 78/KH-SNN triển khai khảo sát, đánh giá hiện trạng quản lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố năm 2018. Theo đó, ngoài xây dựng mẫu phiếu điều tra khảo sát thu thập thông tin tình hình quản lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức điều tra thu thập thông tin tác các huyện, thị xã; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải tại một số cơ sở chăn nuôi, giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t