Khắc phục triệt để ô nhiễm làng nghề (09:55 05/10/2017)


HNP - Nhờ phát huy lợi thế từ làng nghề truyền thống, TP Hà Nội đã thu về ngân sách hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm. Nhưng trong quá trình phát triển, làng nghề đã khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng này, thành phố vừa phê duyệt đề án "Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng cơ chế ưu đãi, huy động vốn xã hội hóa; khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm... Bảo đảm 100% làng nghề được công nhận đáp ứng đầy đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

Bài đầu: Hệ lụy từ ô nhiễm

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 297 làng nghề được thành phố công nhận danh hiệu làng nghề. Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh lại thiếu quy hoạch đồng bộ, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế... dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trầm trọng.

Phát huy lợi thế "đất trăm nghề"

Vốn được mệnh danh là vùng "đất trăm nghề", nét độc đáo dễ nhận thấy ở huyện Phú Xuyên chính là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm nay. Với bàn tay khéo léo của những người thợ, các làng nghề ở đây đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng. Từ đó, tạo dựng được thị trường bền vững, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước, đem lại nhiều lợi ích và giá trị kinh tế cao. Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa, địa phương có 78 làng nghề được duy trì và phát triển, trong đó có 40 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của làng nghề ước tính tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm. Năm qua, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề của huyện ước đạt 3.850,02 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,1% trong tổng giá trị sản xuất. Từ hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng đã góp phần tạo ra giá trị gia tăng đạt 983,360 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56,6% giá trị gia tăng của toàn huyện.

Tương tự, nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề ngày một phát triển đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của huyện Hoài Đức. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Đỗ Đức Trung, địa phương hiện có 51/53 làng nghề với 12 làng nghề được công nhận. Nhiều làng nghề có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, người dân có cuộc sống sung túc. Đơn cử như làng nghề bánh kẹo, dệt kim xã La Phù đạt doanh thu 1.301 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến thực phẩm xã Minh Khai đạt doanh thu 1.061 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Dương Liễu đạt doanh thu 1.600 tỷ đồng/năm… Ở những làng nghề này, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới đều đạt cao.

Không riêng huyện Phú Xuyên, Hoài Đức, Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất, trong đó, hơn 700.000 lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn thành phố. Số lượng các đơn vị sản xuất kinh doanh trong làng nghề có khoảng 168.676 hộ sản xuất, 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã và 50 hội, hiệp hội. Số lao động trong các làng nghề được công nhận là hơn 300.000 người, thu nhập bình quân của một lao động làm nghề công nghiệp - tiểu thủ trong các làng nghề cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp...

Hệ lụy từ sự phát triển nhanh

Với quy mô làng nghề như vậy, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng ngành nghề, bao trùm hầu hết các lĩnh vực sản xuất. Từ đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của làng nghề trên địa bàn thành phố nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiết bị đơn giản, thủ công, mặt bằng sản xuất hạn chế, việc đầu tư cho xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm thiểu chất thải (lỏng, rắn và khí) từ các quá trình sản xuất rất ít được quan tâm; ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình và cộng đồng của người lao động còn hạn chế.

Số liệu quan trắc môi trường làng nghề từ 2007 đến nay cho thấy: Môi trường không khí ở một số làng nghề có nồng độ bụi, kim loại nặng, không khí ở nhiều nơi vượt giới hạn cho phép. Nguồn nước ngầm ở một số khu cũng chịu tác động từ ô nhiễm nước thải, nhất là đối với các chỉ tiêu ô nhiễm chất hữu cơ, xuất hiện ô nhiễm vi sinh trong nước ngầm. Các lưu vực sông tiếp nhận nước thải đang chịu tác động lớn từ hoạt động sản xuất làng nghề. Năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành quan trắc, phân tích chất lượng nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy vào mùa mưa và mùa khô. Kết quả cho thấy, chất lượng nước mặt sông Đáy tại 20 vị trí đã bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ. Phần lớn chất lượng mẫu nước sông các vị trí sông Nhuệ, sông Đáy chảy qua các khu vực đông dân cư và sau các điểm hợp lưu với sông khác đều có thông số ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn cho phép.

Mặc dù hoạt động sản xuất làng nghề phát sinh ô nhiễm cao như vậy nhưng hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời thì tổn thất đối với toàn xã hội sẽ ngày càng lớn, vượt xa giá trị kinh tế mà các làng nghề đem lại như hiện nay.


Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t