Nhà “siêu mỏng siêu méo”: Kiên quyết xử lý nghiêm, không để phát sinh thêm (21:14 27/02/2017)


HNP - Những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng của Thành phố và chính quyền các cấp đã vào cuộc khá tích cực, song việc xử lý những công trình "siêu mỏng, siêu méo" vẫn rất khó khăn, thậm chí còn nảy sinh trường hợp mới. Xuất hiện ở nhiều nơi trong nội thành, những “công trình” này không chỉ phá vỡ quy hoạch kiến trúc mà còn mang lại nhiều hệ lụy, nhất là trong giao thông, phòng chống cháy nổ… làm xấu đi hình ảnh Thủ đô.

Hà Nội ngàn năm văn hiến đã có những bước phát triển ấn tượng, góp phần vào sự phát triển của đất nước hôm nay. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, những bước phát triển của Hà Nội được ghi nhận với nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, đời sống xã hội. Những thay đổi về kinh tế, những con đường mới mở, những công trình hiện đại liên tục được dựng lên, đã khiến đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cùng với đó là sự nở rộ của những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo", trong khi việc xử lý những “công trình” tồn đọng cũ dạng này hiện vẫn còn chậm tiến độ so với kế hoạch và quyết tâm của Thành phố.
 
Có một thực tế, khi những công trình “siêu mỏng, siêu méo” mọc lên, việc xử lý rất khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Giải pháp hữu hiệu nhất là hợp thửa, hợp khối. Nhưng để hợp thửa, hợp khối, cần sự đồng thuận giữa các bên. Nếu không vận động hợp thửa được, nhà nước sẽ tiến hành thủ tục thu hồi, bàn giao cho đơn vị quản lý. Trong khi đó, đất đai, nhà ở liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người dân, nhiều trường hợp rất lâu không thực hiện được thủ tục hợp thửa vì các bên chưa có sự thống nhất.
 
Báo cáo về kết quả thanh tra hoạt động xây dựng và xử lý các trường hợp xây dựng nhà khi đất không đủ điều kiện mặt bằng cho phép (dưới 15 m2) cho thấy, nhiều tuyến đường mới dù có quản lý, quy hoạch tại 11 quận huyện được kiểm tra trong 2 năm 2015 - 2016 vẫn còn hiện tượng xây dựng nhà ở trên phần đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (nhà siêu mỏng, siêu méo). Cụ thể, trong 11 quận huyện được kiểm tra, rà soát, tại nhiều tuyến đường mới mở vẫn có 214 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, được chia, được sở hữu bởi người dân, doanh nghiệp, khiến phát sinh những căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Ngoài ra, trên một số tuyến đường mới mở trên địa bàn thành phố như tuyến đường Kim Mã -Trần Phú, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Huyên... cũng phát sinh thêm các trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo".
 
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” là nguồn vốn. Vì nếu giải phóng mặt bằng, thu hồi hết đất của người dân sẽ đội nguồn kinh phí lên rất nhiều. Mặt khác, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, chính quyền một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội còn chưa chủ động trong tham mưu cũng như thiếu kiên quyết, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào thành phố trong xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”.
 
Tại một số quận, huyện cũng đã có một số cách làm hay, biện pháp sáng tạo đã phát huy vai trò và tính hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Điển hình như quận Đống Đa, Quận ủy cho phép quay video các trường hợp vi phạm trật tự đô thị xảy ra trên địa bàn quận để trình chiếu và thảo luận tại hội nghị giao ban thường kỳ, thông qua đó có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Hay biện pháp “vi hành” của lãnh đạo các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm để khảo sát tình hình công việc thực tế của cán bộ cơ sở trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng; biện pháp thực hiện “quy chế dân chủ ở cơ sở trong quản lý trật tự xây dựng" của các quận Long Biên, Thanh Trì... nhằm huy động sự vào cuộc của nhân dân trong giám sát trật tự xây dựng tại địa phương. Kết quả thực tế đã chứng minh, những biện pháp sáng tạo của các quận, huyện đã góp phần không nhỏ làm giảm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, hạn chế sự gia tăng những công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn thành phố. 
 
Tuy nhiên, xây dựng, chỉnh trang đô thị không phải chỉ là việc của một tổ chức, một cá nhân mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp của toàn dân. Bên cạnh những cố gắng của các cấp chính quyền, của UBND thành phố, cùng cần đến sự tham mưu tích cực của các các Sở, ngành như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc. Các ngành cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, trước hết để động viên tinh thần tự giác của nhân dân, sau đó tăng cường kiểm tra, rà soát, có biện pháp tháo gỡ trong việc cấp giấy phép xây dựng, hướng dẫn chỉnh trang kiến trúc công trình trên các tuyến đường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng để có tính răn đe...Đặc biệt, quan trọng hơn việc xử lý sai phạm là phải ngăn chặn, không để sai phạm xảy ra. 
 
Trên tinh thần kiên quyết xử lý nghiêm, không để phát sinh thêm các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo”, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng kết hợp với chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết dứt điểm các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng còn tồn đọng và không để phát sinh các trường hợp phát sinh mới. Thực hiện nghiêm túc việc thu hồi đất ngoài chỉ giới sau khi hết thời hạn hợp thửa, hợp khối theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm trật tự xây dựng của Chủ đầu tư và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Chủ động làm việc với các Sở, ban, ngành Thành phố để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh tại địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý đất đai quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t