Đề cương về văn hóa Việt Nam: Giá trị to lớn về mặt lý luận (19:33 27/02/2023)


HNP - Bên cạnh việc khẳng định giá trị to lớn về mặt lý luận của Đề cương về văn hóa Việt Nam, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến cho nội dung “Văn hóa con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực, phát triển đất nước trong giai đoạn mới”- Đó là nội dung diễn ra tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", diễn ra ngày 27/2.

Đại biểu tham dự Hội thảo


Thảo luận tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", các đại biểu đã tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
 
Nêu vấn đề về sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển văn hóa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Để phát huy yếu tố văn hóa, con người văn hóa trong thời đại ngày nay thì khoa học công nghệ đóng góp rất lớn để đưa văn hóa hội nhập với thế giới.
 
Còn theo PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để phát triển văn hóa. Điển hình như Nghị quyết 23-NQ/TƯ khóa X về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã xác định "Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam"…
 
Cũng tại Hội thảo, bên cạnh các tham luận còn có hội thảo bàn tròn với sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia các lĩnh vực để bàn về vấn đề phát triển văn hóa con người, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.
 
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 điểm cầu của các tỉnh, Thành phố trong cả nước với gần 300 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 3.200 đại biểu tham dự trực tuyến. Hội thảo đã một lần nữa khẳng định giá trị to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong hành trình giải phóng dân tộc và đổi mới, phát triển đất nước.
 
Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã dày công xây dựng nền văn hóa mới đạt được những thành tựu to lớn toàn diện, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, văn học nghệ thuật. Đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà có sự kế thừa và phát huy phẩm chất và phát triển vững chắc qua các thế hệ, đóng vai trò quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay.
 
Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "80 năm đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) khởi nguồn và động lực phát triển" 
 
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá, hội thảo đã phân tích và chỉ rõ quá trình vận dụng, kế thừa, phát huy cốt lõi của Đề cương để hoàn thiện đường lối văn hóa của Đảng trong suốt 80 năm qua. "Định hướng chiến lược của Đề cương nhất là nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc và đầy đủ hơn về bản chất ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, công cuộc phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời văn hóa là "sức mạnh nội sinh" quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đảng chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các đặc trưng cơ bản, đó là: Dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn…
 
"Đảng ta nhận thức ngày càng toàn diện hơn về con người, khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nhấn mạnh, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.
 
Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, hội thảo đã tập trung phân tích yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng và giải pháp để tiếp tục nghiên cứu, kế thừa phát triển các quan điểm của Đề cương để xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
 
Hội thảo khẳng định cần tiếp tục kế thừa, vận dụng những quan điểm cốt lõi của Đề cương, nhất là ba nguyên tắc: "Dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" để nghiên cứu, tổng kết, làm rõ và sâu sắc hơn nữa nội hàm của mục tiêu xây dựng "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" trong tình hình mới. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước cho phát triển văn hóa. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t