Huyện Gia Lâm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế (15:41 16/08/2020)


HNP - Trong 15 năm qua, thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, ngày 4/3/2005, của Ban Bí thư “về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”, việc ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn Huyện Gia Lâm đã có bước tiến bộ. Cùng với các lĩnh vực khác, công nghệ sinh học đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của Huyện, góp phần xây dựng huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới, là tiền đề thuận lợi để hoàn chỉnh các tiêu chí thành lập Quận tới năm 2025.

Mô hình trồng rau thử nghiệm thuốc bảo vệ thực vật


Trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp như: sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi tiến bộ, có năng suất, chất lượng; ứng dụng các loại phân bón, giá thể, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm và các sản phẩm khác có nguồn gốc sinh học; sản xuất rau sạch, hoa cây cảnh, cây ăn quả, sản xuất cây giống dựa trên công nghệ tế bào...

Thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020, đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật: Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch Đề án của huyện là 5.214,77ha, trong đó, diện tích lúa là 1.601,05ha, chiếm tỷ lệ 30,52% diện tích; diện tích cây ăn quả là 1.600,31ha, chiếm tỷ lệ 30,69% diện tích; diện tích sản xuất rau 636,44ha chiếm 12,2% diện tích; diện tích VAC 278,12ha chiếm 5,33% diện tích; diện tích sản xuất hoa cây cảnh 132,18ha, chiếm 2,53% diện tích.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ khi có quy hoạch vùng sản xuất đến nay nhìn chung có chuyển biến tích cực theo đúng định hướng phát triển chung của Huyện và Thành phố, đã chuyển đổi được 2.880,78ha/4.543,95ha đạt 63,40% so Đề án. Đã hình thành các vùng cây ăn quả (Đông Dư, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Phù Đổng), hoa cây cảnh (Trung Mầu, Phù Đổng, Kim Lan), rau an toàn (Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên, Cổ Bi) có giá trị kinh tế cao. Trong đó, diện tích sản xuất quả an toàn đã được chứng nhận đủ điều kiện ATTP là 809,13ha, đạt 50,56% và 107,23ha sản xuất quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích rau đã được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đảm bảo ATTP là có 396,64ha, đạt 62,32% và 42ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ năm 2017 đến nay, huyện đã triển khai 120 lớp tập huấn ATTP, thông tin thị trường, IPM trên cây ăn quả, hoa cây cảnh, rau an toàn; triển khai 41 mô hình thử nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng 07 xã có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, hình thành 14 vùng sản xuất cây ăn quả với quy mô từ 20ha trở lên; hình thành 05 vùng rau tập trung quy mô từ 20ha trở lên và thành lập được 125 tổ nhóm PGS để chỉ đạo giám sát nông dân cùng tham gia sản xuất đảm bảo ATTP trên địa bàn. Bước đầu đã hình thành một sô mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên 01ha năm 2019 đạt bình quân 309,22 triệu đồng/ha tăng so với năm 2016 (203 triệu đồng/ha) là 106,22 triệu đồng tăng 1,52 lần, trong đó, giá trị sản xuất rau, quả chuyên canh đạt 400-500 triệu đồng/ha; một số mô hình có thu nhập cao từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tại xã Kiêu Kỵ, Yên Viên, Lệ Chi.

Về chăn nuôi, Huyện đã triển khai ứng dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiên, các giống vật nuôi có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Phương pháp thụ tinh nhân tạo trong phát triển chăn nuôi gia súc đẩy nhanh tốc độ tăng đàn, nâng cao năng suất; sử dụng công nghệ tinh phân ly giới tính trong phát triển chăn nuôi bò sữa giúp tăng tỷ lệ sinh ra bê sữa cái lên >90%; ứng dụng công nghệ cấy chuyên hợp tử trong chăn nuôi bò thịt giúp đẩy nhanh tiến độ lai tạo các giống bò siêu thịt chất lượng cao (BBB, Droughmaster, Brahman...) trên nền đàn bò cái lai Sind, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt bò; ứng dụng công nghệ sản xuất cá giống Rô phi đơn tính...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm, tạo miễn dịch chủ động chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sử dụng các loại thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học là sản phẩm của công nghệ gen, công nghệ vi sinh trong điều trị bệnh trên gia súc, gia cầm; sử dụng các chế phẩm sinh học (men vi sinh) trong chế biến thức ăn chăn nuôi giúp giảm giá thành sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực môi trường, Huyện Gia Lâm đã áp dụng thành công và sử dụng rộng rãi kỹ thuật hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi làm chất đốt và bảo vệ môi trường nông thôn, ứng dụng các chế phẩm sinh học (men vi sinh) vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường, khử mùi hôi, khử trùng, giảm các chất độc hại và ruồi muỗi trong môi trường. Hiện nay, toàn huyện có 2.677 cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư áp dụng biện pháp xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, hệ thống bể biogas. Trên 98% chất thải chăn nuôi trên địa bàn 07 xã (Phù Đổng, Trung Mầu, Đặng Xá, Yên Thường, Lệ Chi, Dương Quang, Văn Đức) có quy mô chăn nuôi lớn được xử lý bằng phương pháp biogas và nuôi giun quế.

Có thể nói, huyện Gia Lâm đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm của nghiên cứu công nghệ sinh học đem lại hiệu quả cao, góp phần thiết thực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH-HĐH. Hiện nay, huyện Gia Lâm đã trở thành nơi cung cấp sữa tươi chủ yếu cho nhà máy sữa Vinamilk đóng trên địa bàn, ngoài ra, còn cung cấp một lượng lớn sữa tươi cho nhu cầu tiêu dùng ở khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận. Các mô hình phát triển kinh tế như kinh tế trang trại, trồng rau an toàn, chăn nuôi... có hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Huyện Gia Lâm đã được Thành phố công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Trước những biến đối phức tạp của khí hậu, cùng sự xuất hiện và bùng phát của các dịch bệnh nguy hiểm như tả, cúm A, sốt xuất huyết, chân tay miệng, Covid-19... công tác phòng, chống dịch đã được huyện chỉ đạo triển khai theo hưởng chủ động, tích cực, chuẩn bị và cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; phát hiện và xử lý kịp thời ca bệnh dịch. Hiện nay, Huyện đang duy trì chuẩn Quốc gia về y tế 22 xã, thị trấn.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 50-CT/TW, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội của Huyện. Đồng thời, xây dựng và áp dụng chính sách quan tâm, thu hút, đa dạng hoá các nguồn đầu tư ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở trong việc sử dụng các ứng dụng CNSH trong sản xuất và đời sống, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên đầu tư cho các dự án, đề tài về ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, y tế và bảo vệ môi trường.


Nhật Minh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t